Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011

ẤN ĐỘ (INDIA) – TÊN GỌI TỪ MỘT CON SÔNG




I. Nguồn gốc tên gọi

Ấn Độ có tên gọi đầy đủ là "nước Cộng hoà Ấn Độ", nằm trên bán đảo Ấn Độ của tiểu lục địa Nam Á; tây, đông, nam ba mặt giáp biển. Tên nước có nguồn gốc từ sông Ấn. Ấn Độ nguyên là quốc gia Veda, do vương triều Veda kiến lập thời cổ đại. Người Ấn Độ cổ lấy chữ "Hindu" để chỉ dòng sông, bắt nguồn từ tên sông Indus (sông Ấn), về sau mở rộng chỉ cả tiểu lục địa Nam Á, sau khi Ấn Độ và Pakistan phân thành hai quốc gia khác nhau thì “Hindus” mới chỉ quốc gia Ấn Độ.

Tiếng Ba Tư cổ đem “Hindu” chuyển thành “Indu”, nguời cổ Hy Lạp lại biến “Indu” thành “Indi”, người La Mã gọi thành “Indus” và người Anh ngày nay gọi thành India.

Trong các thư tịch Trung Quốc, thời Hán gọi Ấn Độ là "Thân Độc", "Thiên Trúc", tên gọi Ấn Độ bắt đầu từ trong sách "Đại Đường Tây Vực Ký" của Đường Huyền Trang. Thế kỷ IV tr.CN, Ấn Độ đã hình thành một quốc gia thống nhất.

Bắt đầu từ thế kỷ XVI, theo sau bọn thống trị Bồ Đào Nha, người Hà Lan, Anh, Pháp lần lượt đến xâm lược Ấn Độ. Năm 1600, thực dân Anh thành lập công ty Đông Ấn, thực hiện chính sách áp bức và bóc lột Ấn Độ, lần lượt xây dựng những cứ điểm quân sự ven biển. Năm 1849, Anh chiếm toàn bộ Ấn Độ. Ngày 15 tháng 8 năm 1947, theo phương án của người Anh, Ấn Độ và Pakistan bị chia hai, ngày 26 tháng 1 năm 1950, nước Cộng hoà Ấn Độ chính thức được thành lập.

II. Quốc kỳ


Do ba hình chữ nhật bằng nhau màu cam, trắng và lục nằm ngang song song hợp thành. Chính giữa nền cờ màu trắng có một bánh xe Phật pháp màu xanh lam với 24 chiếc nan hoa. Hình bánh xe này là một trong những đồ án đầu sư tử ở đầu trụ đá Thánh địa Phật giáo đời vua Asoka thuộc vương triều Khổng tước (vương triều Maurya Dynasty) Ấn Độ. Màu cam tượng trưng cho lòng dũng cảm, hiến thân và tinh thần hy sinh thân mình, đồng thời cũng là màu pháp y của giáo đồ Phật giáo; màu trắng tượng trưng cho thuần khiết và chân lý; màu lục biểu thị lòng tin, đại diện cho sức sinh sản mà sự sống nhân loại dựa vào để sinh tồn. Bánh xe Phật pháp là bánh xe linh thiêng của nhân dân Ấn Độ, bánh xe chân lý, bánh xe chuyển động tiến về phía trước, bánh xe quay mãi trời xanh. Đồ án quốc kỳ ra đời năm 1921, khi đó chính giữa nền cờ là một bánh xe quay sợi tượng trưng cho văn minh cần lao của nhân dân Ấn Độ. Ngày 22 tháng 7 năm 1947, quyết định đổi bánh xe quay sợi thành bánh xe Phật pháp, chính thức được xem là quốc kỳ Ấn Độ. Ngày 26 tháng 1 năm 1950, Ấn Độ tuyên bố là nước Cộng hòa và vẫn sử dụng quốc kỳ này.

III. Quốc huy


Đồ án trung tâm do bốn con sư tử đực đứng châu lưng lại với nhau hợp thành, chúng đứng vững chắc trên một bệ đài hình tròn, mặt hướng ra bốn phía. Sư tử tượng trưng cho lòng tin, uy nghiêm, dũng khí và sức mạnh. Chung quanh bệ đài có bốn con thú canh giữ: hướng tây là con bò, hướng bắc là sư tử, hướng đông là voi, hướng nam là ngựa. Giữa bốn con thú có bánh xe Phật pháp. Quốc huy của Ấn Độ được chế định theo hình tượng điêu khắc đầu sư tử trên đầu trụ đá ở vườn thánh địa Phật giáo đời vua Asoka (324-187 tr.CN), vương triều Maurya Dynasty nổi tiếng trong lịch sử Ấn Độ. Những cột đá khắc những tín điều thống trị này dùng để kỷ niệm Phật tổ Thích Ca Mâu Ni lần đầu tiên truyền giáo lý đạo Phật khắp thiên hạ. Đồ án quốc huy Ấn Độ đã phản ánh Ấn Độ là một nước có nền văn minh cổ xưa và lịch sử lâu đời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét