Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2009

Dịch vụ Yahoo! 360 chấm dứt hoạt động

(BBC).Tổng giám đốc Yahoo! Viet Nam ông Vũ Minh Trí vừa loan báo dịch vụ Yahoo! 360 sẽ chấm dứt hoạt động trong tháng 7 năm 2009.

Ông Trí nói thêm sau ngày này tất cả dữ liệu của Yahoo! 360 sẽ biến mất hoàn toàn.

Việt Nam là nước có đông người dùng dịch Yahoo! 360. Trong một thời gian ngắn mạng blog này đã trở thành 'trang nhà' của nhiều người dùng máy tính tại Việt Nam.

Các cư dân mạng dùng Yahoo! 360 để viết và nói lên sở thích, suy nghĩ của họ. Và là công cụ giao tiếp bạn bè.

Nhiều người coi Yahoo! 360 là công cụ hữu hiệu để đưa video, âm thanh, hình ảnh và lời bình luận vào blog.

Cộng đồng thích phản biện tại Việt Nam cũng có trong tay một công cụ hữu hiệu để phát tán các bài viết. Hoặc lời bình luận thuộc diện không chính thống của họ.

Điều làm cho nhiều người lo ngại là sau ngày đóng cửa, toàn bộ dữ liệu trên Yahoo! 360 sẽ biến mất.

Chuyện ‘di tản' hồ sơ, dữ liệu sang loại hình blog khác đã được một số người thực hiện thời gian qua. Tuy nhiên một số blogger từ tp Hồ Chí Minh cho đài BBC hay đây là việc làm tốn thời gian và chưa chắc mang lại kết quả chắc chắn.


Các blogger cũng thắc mắc những dữ liệu còn lại trên mạng Yahoo! 360 sau ngày đóng cửa sẽ được Yahoo! xử lý ra sao?

"Sau 5 năm viết blog, tôi có rất nhiều ‘gia tài' trên mạng. Chủ yếu chúng được lưu trữ trên trang Yahoo! 360. Sau ngày đóng cửa, ai là người chịu trách nhiệm với các ‘tài sản' đó của tôi?" một blogger, người phát biểu ẩn danh từ Sài Gòn cho biết.

"Yahoo! có chịu trách nhiệm trong chuyện này hay không?" một blogger khác từ Hà Nội đặt dấu hỏi.

Nói trên tờ báo điện tử VietnamNet, ông Vũ Minh Trí, tổng giám đốc Yahoo! Việt Nam cho hay: "Việc đóng cửa Yahoo! 360 có thể gây ra những xáo trộn trong cộng đồng mạng, tuy nhiên chúng tôi đã nỗ lực làm việc để giảm thiểu những xáo trộn này".

Thay thế

Đại diện của Yahoo! Vietnam loan báo dịch vụ mới, Yahoo! 360Plus. Họ gọi đây sản phẩm thay thế Yahoo! 360.

Ông Vũ Minh Trí Tổng giám đốc Yahoo! Vietnam tin rằng trước tình hình phát triển của mạng xã hội hiện nay, một trang mạng chỉ đơn thuần viết blog như Yahoo! 360 trở nên không phù hợp.

Yahoo! Việt Nam nhắc đến một số tính năng mới của Yahoo! 360Plus, dịch vụ sẽ thay thế Yahoo! 360 sau tháng Bảy.

Đó là nó có thể hỗ trợ nhiều tính năng tìm kiếm; mở rộng danh sách bạn bè gấp nhiều lần; công cụ viết blog dễ hơn; và thêm tiện ích cho người dùng.

Tuy vậy một số người đã bắt đầu than phiền về tính bất tiện của dịch vụ Yahoo! 360Plus, như không cho nhúng Java và không cho Quick Comment.

Họ nói thêm mạng mới khó sử dụng, dù có thể giúp lưu trữ dữ liệu hay các entry từ Yahoo! 360 nhưng hay bị mất comment, hình ảnh, hay video được nhúng trong entry.

Blogger ẩn danh từ Sài Gòn gọi đây là sự xé nhỏ dịch vụ của Yahoo!, điều ông cảm thấy bất tiện và có phần bất mãn.

Và ông ngạc nhiên khi thấy Yahoo! đưa ra quyết định đóng mạng Yahoo! 360 tại Việt Nam.

Các nước khác, theo ông, mạng blog này vẫn được duy trì.

Ông gọi Yahoo! 360 là công cụ hữu hiệu cho việc hình thành một cộng đồng mạng đông đúc, ồn ào và gây tiếng vang lớn ở Việt Nam thời gian qua.

"Nó trở thành cái kênh thông tin lớn cho cộng đồng," blogger, nhà báo tự do sống ở Sài Gòn cho biết.

"Không có nước nào như Việt Nam mà sự khao khát trao đổi thông tin ngoài lề, không bị kiểm soát của các tay viết tự do, lớn như trong lúc này,"

"Yahoo! 360 đã giúp ích rất nhiều cộng đồng dân cư trên mạng gặp gỡ, chia xẻ, trao đổi các ý tưởng lớn. Giờ đây họ buộc phải tản mát sang các mạng, hay dịch vụ viết blog khác."

Một số người nói đến sức ép nhiều năm của chính quyền muốn Yahoo! Vietnam chia sẻ thông tin về của chủ nhân các trang blog cá nhân.

"Đóng Yahoo! 360 là cách Yahoo! Vietnam ‘né tránh' đòi hỏi này," blogger ở Hà Nội, người muốn ẩn danh nói.

Trong khi đó tổng giám đốc Yahoo! Vietnam ông Vũ Minh Trí muốn trấn an người sử dụng dịch vụ mới của Yahoo!.

"Nhằm mục đích bảo vệ an toàn cho người dùng, Yahoo!360Plus không cho nhúng Java. Còn việc không để Quick Comment là nhằm ngăn chặn tình trạng AutoSpam. Nếu phát hiện blog có nội dung xấu. Yahoo sẽ xử lý ngay blogger đó".

'Di tản' trên mạng.

Cuộc di cư trên mạng của dân chơi blog Yahoo! 360 bắt đầu từ cuối năm 2008. Từ một cộng đồng đông đảo, nhiều sức sống, đến nay đã bị chia nhỏ và tản mát đi khá nhiều.

Điểm đến mới của cộng đồng blogger người Việt trong cuộc ‘di tản' khỏi Yahoo! 360 là các mạng dịch vụ xã hội ảo có đông người tham gia trên thế giới như Facebook, WordPress, BlogSpot, Multiply, và Opera.

Trong khi đó Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (Committee for Protection of Journalists - CPJ) vừa công bố danh sách 10 quốc gia mà tổ chức này cho là 'Khó khăn nhất đối với các blogger', trong đó Việt Nam đứng thứ sáu.

Việt Nam được CPJ nhận định là nơi mà các blogger đang bù vào khoảng trống các nguồn tin độc lập mà báo chí chính thống trong nước để lại. Tuy nhiên, chính quyền phản ứng bằng cách gia tăng các quy định.

Tường trình công bố đầu tháng Năm của CPJ viết: "Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu các công ty công nghệ quốc tế như Yahoo, Google, và Microsoft cung cấp thông tin cá nhân về các blogger đang sử dụng dịch vụ của họ."

"Tháng Chín năm ngoái, ông Nguyễn Văn Hải, hay blogger Điếu Cày, đã bị bỏ tù 30 tháng vì tội trốn thuế nhưng các điều tra của CPJ cho thấy ông bị trừng phạt chính vì viết blog."

CPJ chỉ ra một bằng chứng rõ ràng cho việc hạn chế blog của chính phủ Việt Nam là quyết định hồi tháng 10/2008 thành lập cơ quan riêng thuộc Bộ Thông tin-Truyền thông nhằm quản lý internet.

Hồi tháng Ba 2009, Tổ chức Phóng viên không Biên giới (RSF) cũng đưa ra danh sách 12 quốc gia 'thù nghịch với internet', trong có Việt Nam.

Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2009

LỄ ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG RA ĐI – THA THỨ (Ga 20, 19 – 23)


I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con!" Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại".

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

Khi nói về Đức Chúa Thánh Thần, ta thường nghĩ đến 7 ơn Người ban qua bí tích Thêm Sức. Ta như người lãnh nhận một cách thụ động. Và những ơn Người ban chẳng ảnh hưởng gì lớn đến đời sống ta. Đó thực là một quan niệm sai lầm tai hại. Thực ra, Đức Chúa Thánh Thần là nguồn sức sống mãnh liệt, là sự trẻ trung của Giáo hội, là năng lực đổi mới thế giới. Hãy đọc lại bài đọc I, ta sẽ thấy sức mạnh đổi mới của Người mãnh liệt như thế nào. Người như luồng gió cường tráng. Người như ngọn lửa bừng bừng. Luồng gió và ngọn lửa ấy đã khơi dậy nguồn năng lực tiềm ẩn nơi những bác thuyền chài thất học, biến họ thành những con người thay đổi thế giới. Nhận lãnh ơn Đức Chúa Thánh Thần là nhận lãnh sứ mạng hành động. Hôm nay, Đức Giê su tóm tắt sứ mạng hành động đó qua 2 nhiệm vụ : Ra đi và Tha thứ.

Nhiệm vụ thứ nhất mà Đức Giê-su trao cho các môn đệ khi ban Thánh Thần cho các ông, đó là RA ĐI : “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nhận lãnh Chúa Thánh Thần là được sai đi. Chúa Thánh Thần là sức mạnh hành động. Người không thể bị giam hãm trong những căn phòng đóng kín cửa. Người không ưa thích những tâm hồn khép kín trong ủ rũ điêu tàn. Người đến đâu là mở tung cửa nhà ra đến đấy. Mở ra để đón lấy những luồng gió mới tươi mát. Mở ra để đón nhận mọi người đến với mình. Và nhất là mở ra để mình đến với mọi người. Một cuộc sống không giao tiếp sẽ trở nên nghèo nàn, tàn lụi. Một tâm hồn chỉ qui hướng về bản thân sẽ chẳng khác một vũng ao tù, ô nhiễm. Ra đi sẽ giúp ta nên phong phú, mạnh mẽ. Ra đi không phải là lang thang không mục đích, nhưng là đi đến những địa chỉ Thánh Thần muốn gửi ta đến. Những địa chỉ Thánh Thần muốn ta đến đó là “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ đã được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Thiên chúa” (Lc 4, 18-19). Chúa Thánh Thần sẽ mở tung cánh cửa ích kỷ. Người sẽ phá tan cánh cửa hẹp hòi. Người sẽ củng cố những tâm hồn nhút nhát. Người sẽ quét sạch mọi lớp bụi bặm rêu phong. Người sẽ đổ tràn vào hồn ta nguồn nhựa sống mới giúp ta hăng hái lên đường.

Nhiệm vụ thứ hai mà Đức Giê-su trao cho các môn đệ khi ban Thánh Thần cho các ông, đó là THA THỨ : “Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha”. Tha thứ, hoà giải luôn luôn là một vấn đề lớn của thế giới. Trên thế giới, những cuộc chiến tranh, chia rẽ, xung khắc xảy ra hầu như hằng ngày. Con người là bất toàn, nên sống chung là có bất đồng, xung khắc. Nếu cứ mỗi lần có xung khắc, ta loại trừ đi một người bạn, thì có lẽ cuối cùng ta sẽ chẳng còn người bạn nào. Người ta không thể sống một mình. Mỗi người đều cần đến người khác. Sống chung với nhau là một nhu cầu. Vì thế, việc tha thứ, hoà giải là vô cùng cần thiết. Hoà giải hệ tại ở hai động tác : xin lỗi và tha lỗi. Hai việc đều khó làm. Vì con người đầy tự ái. Dù biết mình lỡ lầm, nhưng ít có ai đủ can đảm nhận lỗi và xin lỗi. Xin lỗi đã khó, tha lỗi còn khó hơn. Chính vì thế, việc hoà giải cần rất nhiều ơn Chúa Thánh Thần. ở đây, ta phải nhìn vào Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô như tấm gương sáng chói.Người là tấm gương sáng về sự ra đi. Cuộc đời Người là một cuộc ra đi không biết mệt mỏi. Dù tuổi cao sức yếu, nhưng Người vẫn lên đường đi đến với mọi dân tộc, mọi đất nước. Người tiếp xúc với tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo, chính kiến, mầu da, chủng tộc, ngôn ngữ. Người đi đến với cả những kẻ chống đối, bất hoà và thù nghịch với Người. Để chuẩn bị đón mừng Năm Thánh, Người đã làm một cử chỉ ngoạn mục chưa từng có trong lịch sử Giáo hội. Đó là Người công khai nhìn nhận những lỗi lầm của Giáo hội để xin mọi người tha thứ. Đây quả là một hoạt động của Chúa Thánh Thần để thanh tẩy Giáo hội. Đức Thánh Cha đã được ơn Chúa Thánh Thần nên đã ra đi làm hoà với mọi người. Chính cử chỉ khiêm nhường ấy đã giúp đổi mới Giáo hội, đem đến cho Giáo hội một khuôn mặt mới trẻ trung hơn, một sức sống mới dồi dào hơn, một phong cách hiện diện mới dễ thương dễ mến hơn.

Ta hãy biết noi gương Đức Thánh Cha. Hãy biết ra đi, không chỉ là đi hành hương viếng nhà thờ để lãnh ơn toàn xá, nhưng còn là ra đi đến với những người bé nhỏ, nghèo hèn, những người bị bỏ rơi, những người kém may mắn ở đời, những người ta không ưa thích, những người chống đối ta, cả những người làm hại ta nữa. Nhất là hãy gieo rắc sự tha thứ. Tha thứ cho anh em để anh em cũng tha thứ cho ta, để chúng ta xứng đáng trở thành con Thiên chúa. Đức Chúa Thánh Thần muốn đổi mới Giáo hội. Nhưng việc đổi mới phải bắt đầu từ mỗi tâm hồn. Đức Chúa Thánh Thần sẽ canh tân bộ mặt thế giới, nhưng việc canh tân phải khởi đi từ mỗi con người. Ta hãy mở rộng tâm hồn đón nhận ơn Chúa Thánh Thần và hăng hái cộng tác với chương trình của Người.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đổi mới tâm hồn con.

III. TẤM BÁNH HOÁ NHIỀU

1- Đức Chúa Thánh Thần mời gọi bạn ra đi đến với người khác. Bạn có thường đi thăm viếng những người nghèo hèn, nhất là những người bạn không có cảm tình không ?

2- Bạn có muốn tha thứ, làm hoà với người khác không ? Bạn đã có cố gắng nào để làm hoà trong Năm Thánh ?

3- Bạn nghĩ gì về việc Đức Thánh Cha xin lỗi ?


4- Bạn có sẵn sàng để Đức Chúa Thánh Thần biến đổi bạn không ?



+TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Bảy ân đức Chúa Thánh Thần

Đaminh Nguyễn ngọc Long

1.Lạy Chúa Thánh Thần, thần linh sự khôn ngoan.

Những khi tâm trí con người cố định bám chặt vào một con đường, xin đến giúp tâm trí con người thoát ra khỏi vòng cố định đó. Soi dẫn tâm trí nhận ra con đường chương trình của Thiên Chúa muốn trong đời sống mình.

Xin ban cho con người khả năng nhìn tất cả mọi biến cố trong đời sống bằng con mắt đức tin vào Thiên Chúa.

„Qủa vậy, nơi đức khôn ngoan có một Thần Khí tinh tường và thánh thiện“ ( Thư gửi Titus 3,6).

2. Lạy Chúa Thánh Thần, thần linh sự thông minh

xin đến giúp con người không chỉ nghe hay đọc Lời Chúa, nhưng còn biết nhận ra sứ điệp Chúa nhắn nhủ cùng đem ra thực hiện trong đời sống cụ thể hằng ngày.

„ Ta sẽ ban tặng các người một qủa tim mới, sẽ đặt Thần Khí mới vào lòng các người“ ( Ezechiel 36,26).

3.Lạy Chúa Thánh Thần, Thần linh ân đức biết lo liệu,

Nhiều khi tâm trí con người xuay quanh luẩn quẩn như một vòng tròn vào một điểm, như người sống trong hồ nghi không sao tìm ra lối thoát khỏi khu vòng đó. Xin giúp tâm trí con người thoát ra khỏi vòng sống chật hẹp luẩn quẩn, cùng sẵn sàng nghe lời khuyên nhủ khuyến khích vươn lên.

„ Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa xứa dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin mừng…“ ( Luca 4,18)

4. Lạy Chúa Thánh Thần, thần linh sức mạnh

Qua ơn đức sự khôn ngoan và biết lo liệu, Chúa Thánh Thần giúp con người hiểu nhận ra ý Thiên Chúa muốn sắp đặt trong đời sống. Xin đến giúp con người có sức mạnh chống trả lại sự cám dỗ thúc đẩy từ bên ngoài cũng như từ bên trong thâm tâm, cùng can đảm lội ngược dòng nước chống lại cám dỗ quyến dũ bất chính.

„ Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em“ ( Công vụ tông đồ 1,8).

5.Lạy Chúa Thánh Thần, thần khí sự hiểu biết

Xin đến giúp con người chúng con nhận ra luật lệ của công trình tạo dựng thiên nhiên, để sử dụng xây dựng đời sống trở nên có ích lợi.

Xin giúp con người biết bỡ ngỡ sự lạ lùng kỳ diệu trong thiên nhiên, cùng có tâm tình biết ơn tình yêu Thiên Chúa đã tạo dựng nên thiên nhiên cho nhân loại.

„ Nếu chúng ta sống nhờ thần khí, thì cũng hãy nhờ thần khí mà tiến bước“ ( Galata 5,25).

6. Lạy Chúa Thánh Thần, thần khí lòng đạo đức

xin đến giúp tâm hồn con người chúng con khi gặp những đau khổ, thử thách buồn phiền, không kêu than trách Thiên Chúa, nhưng biết thắc mắc: Lạy Chúa, Chúa muốn nhắn bảo điều gì cho con qua biến cố sự việc này?.

Xin chỉ dậy chúng con đừng lần theo tại sao, nhưng lần theo con đường ý nghĩa c ủa biến cố sự việc, cùng đặt lòng tin tưởng vào Chúa.

„ Anh em là đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong an hem.“ ( 1 Corintho 3,16)

7. Lạy Chúa Thánh Thần, thần khí kính mến Chúa

xin đến giúp con người chúng con trên mọi nẻo đường đời sống biết thắc mắc tìm theo ý Thiên Chúa hơn theo ý riêng mình muốn. Xin củng cố tâm hồn chúng con sẵn sàng kính trọng trật tự trong công trình sáng tạo thiên nhiên, nhận biết raThiên Chúa là chủ thiên nhiên và bảo vệ gìn giữ mọi loài được tạo dựng trong đó.

„ Thánh Thần ngự xuống trên tất cả những người đang nghe lời Thiên Chúa.“ ( Công vụ tông đồ 10,44).

Thứ Năm, 28 tháng 5, 2009

Tướng Giáp gửi thư nữa về bauxite


(BBC).Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại mới gửi thêm một lá thư nữa cho Bộ Chính trị Đảng Cộng Sản Việt nam, đề nghị dừng các dự án bauxite.
Lá thư được gửi đi ngày 20/05 vừa qua cảnh báo về nguy cơ 'quyết định sai lầm, gây nên tai họa lớn cho đất nước'.
Tướng Giáp, năm nay 98 tuổi, hoan nghênh Bộ Chính trị đã lắng nghe ý kiến các giới nhưng viết rằng "chủ trương khai thác chế biến bô xít ở Tây Nguyên là một vấn đề hết sức hệ trọng".
Theo ông, nó "sẽ có tác động lớn đến môi trường sinh thái, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng và đến phát triển ổn định, bền vững của đất nước."
Tổng hợp các ý kiến lắng nghe trong quá trình Việt Nam có tranh luận sôi nổi về vụ khai thác bauxite ở Tân Rai và Nhân Cơ với đối tác Trung Quốc đem công nhân của họ vào, ông Giáp cho rằng "nhiều vấn đề mà Bộ Chính trị nêu lên cho đến nay chưa được nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện đầy đủ".

Đánh giá chung, ông Giáp nói thực ra Việt Nam "chưa có phương án giải quyết rõ ràng, còn nhiều vấn đề bất cập".

Bởi thế, ông đề nghị dừng các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, kể cả khai thác thí điểm.

Tướng Giáp cũng đánh thẳng vào quan điểm khai thác bằng mọi giá nhân danh "hiện đại hóa", vốn được một số nhà lãnh đạo nêu ra.

Ông viết:"Hiện nay chưa khai thác bô xít ở Tây Nguyên, dành tài nguyên đó cho thế hệ mai sau và không khai thác bô xít thì chúng ta vẫn tiến hành được công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước."

Đặc biệt, nhắc đến vai trò của Quốc hội hiện đang họp tại Hà Nội, ông mong rằng "Trung ương và Quốc hội phát huy dân chủ, bàn bạc kỹ lưỡng, có quyết định đúng đắn".

Ý kiến tướng lĩnh

Trong tháng 4 vừa qua, Tướng Giáp đã gửi lá thư thứ nhì đề nghị xem xét kỹ dự án bauxite.

Ông nói: "Tôi cho đây là một vấn đề cực kỳ hệ trọng. Vấn đề này trước đây tôi đã từng nghiên cứu, tôi đã có thư gửi đồng chí Thủ tướng nhưng chưa được trả lời."

"Tôi mong các nhà khoa học, các nhà quản lý, các nhà hoạt động xã hội hãy nêu cao trách nhiệm trước dân tộc, thảo luận một cách khoa học, nghiêm túc, thẳng thắn để kiến nghị với Đảng và Nhà nước một chủ trương đúng đắn về vấn đề bô-xít Tây Nguyên mà tôi cho là không nên khai thác."

Hồi đầu tháng 5 năm nay, trung tướng, nguyên Thứ trưởng Quốc phòng Đồng Sĩ Nguyên, trong bài viết đăng trên báo điện tử Vietnamnet, cũng nhấn mạnh vì Tây Nguyên là "yếu huyệt", cho nên ông không muốn thấy "bất kỳ nước nào vào Tây Nguyên."

Bài viết của cựu tư lệnh đường Hồ Chí Minh để kỷ niệm ngày 30/4 cho rằng: "Trong thời chiến và cả sau này cũng vậy, địa chiến lược, địa quân sự Tây Nguyên cũng luôn là yếu huyệt, vì thế làm gì ở Tây Nguyên cũng phải rất cẩn trọng,"

Ông Đồng Sĩ Nguyên nói "xây dựng Tây Nguyên phải do chính bàn tay người Việt làm."

Trước đó, đầu tháng 3, Thiếu tướng Lê Văn Cương, Viện khoa học Chiến lược Bộ Công an cũng công bố một tham luận nêu ra vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên có thể tác động đến vấn đề an ninh Việt Nam.

Thứ Hai, 25 tháng 5, 2009

Lễ Chúa Thăng Thiên NGƯỚC MẮT NHÌN TRỜI Mc 16, 15-20


I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA

Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. Ðây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ".

Nói xong, Chúa Giêsu được rước lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Ðồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

Con người thường có hai thái độ sống đối nghịch nhau. Một bên là những người chỉ biết có việc đạo. Sống dưới đất nhưng lòng trí để cả ở trên trời. Không tha thiết gì với những người chung quanh. Không tham gia những sinh hoạt xã hội. Khinh chê tất cả những giá trị ở đời này. Ngược lại, bên kia là những người sống như chỉ biết có việc đời. Chỉ coi trọng những giá trị vật chất. Chỉ biết có đời này. Sống là còn. Chết là hết. Cả hai thái độ đều bất cập.

Việc Đức Giê su lên trời và những lời Ngài truyền dạy trước khi từ giã trần gian giúp ta có một cái nhìn đúng đắn hơn đối với trời và đối với đất.

Đức Giê su lên trời. Điều đó dạy ta biết ngoài cõi đời này còn có một nơi chốn khác. Ngoài cuộc sống này còn có một cuộc sống khác. Ngoài những giá trị đời này còn có những giá trị khác.

Trời là nơi hạnh phúc không còn khổ đau. Trời là nơi cuộc sống vĩnh viễn không bị tiêu diệt. Trời là nơi tất cả mọi giá trị đạt đến mức tuyệt đối. Trời là nơi con người trở thành thần thánh, sống chung với thần thánh.

Như thế trời là niềm hi vọng của con người. Con người không còn bị trói chặt vào trần gian. Định mệnh của con người không phải chỉ là đớn đau sầu khổ. Số phận con người không phải sinh ra để rồi tàn lụi. Trời cho con người một lối thoát. Trời mở ra cho con người một chân trời hạnh phúc. Trời cho con người cơ hội triển nở đến vô biên.

Trời nâng cao địa vị con người. Có trời, con người không còn bị xếp ngang hàng với súc vật. Súc vật sinh ra để tàn lụi. Con người sinh ra để triển nở, để vượt qua số phận, để đạt tới địa vị con Thiên chúa. Có trời, con người sẽ được nâng lên ngang hàng thần thánh.

Tuy nhiên, trời không phải xây dựng trong mây trong gió, nhưng được xây dựng trong cuộc sống trần gian. Trời không phải là cõi mơ mộng viễn vông, nhưng đã bắt đầu ngay trong thực tế cuộc đời hiện tại.

Chính vì thế mà hai thiên thần áo trắng đã bảo các môn đệ đừng đứng nhìn trời mãi làm chi, nhưng phải trở về mà lo chu toàn nhiệm vụ.

Chính vì thế mà trước khi lên trời, Chúa căn dặn các môn đệ hãy đi làm việc cho nước Chúa. Sống và làm việc ở trần gian, đó là một nhiệm vụ phải chu toàn. Hoàn thành nhiệm vụ ở trần gian, đó là điều kiện để đạt tới hạnh phúc nước trời.

Chính Đức Giê su cũng đã chu toàn nhiệm vụ ở trần gian rồi mới lên trời. Nhiệm vụ đó là đi gieo Tin mừng khắp nơi. Đi đến đâu là thi ân giáng phúc đến đấy. Đi đến đâu là gieo yêu thương đến đấy.

Hôm nay Chúa cũng sai các môn đệ và chúng ta đi gieo Tin mừng khắp thế gian. Hãy đi làm mọi việc tốt đẹp cho mọi người.

Làm việc tốt đẹp ở trần gian đó là góp phần xây dựng nước trời. Góp phần xây dựng trần gian đó là dọn chỗ ở trên nước trời. Trần gian không phải là nơi cho ta bám víu vì không vĩnh cửu. Nhưng trần gian là cơ hội cho ta đạt tới nước trời.

Chính vì thế, người môn đệ của Chúa phải sống giữa trần gian, phải yêu mến trần gian, phải xây dựng trần gian. Vì trần gian là nơi Chúa sai ta đến làm việc.

Tuy nhiên người Kitô hữu làm việc ở trần gian mà lòng vẫn hướng lên quê trời. Yêu mến trần gian vì nước trời. Yêu mến trần gian để biến trần gian thành nước trời.

Lạy Chúa Giê su, xin cho con biết nỗ lực xây dựng trần gian trong niềm mong đợi hạnh phúc nước trời. Amen.

III. TẤM BÁNH HÓA NHIỀU

1- Tin có thiên đàng. Điều này có quan trọng đối với bạn ?

2- Người môn đệ của Chúa phải có thái độ nào đối với của cải vật chất ?

3- Khi ngắm thứ hai mùa mừng, đọc “Ta hãy xin cho được lòng ái mộ những sự trên trời”, bạn nghĩ gì ? Bạn phải sống làm sao để thực hiện lời cầu nguyện này ?

Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt

Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2009

Quốc hội Việt Nam đã từng đưa ra quyết định sai do sự quan liêu của hệ thống hành pháp

Hai mươi bảy năm trong nghề hàng hải (từ 1971 đến 1997), nhưng tôi chưa một lần nghe hay thấy hai chữ “Dung Quất” xuất hiện trong đàm thoại hay trên hệ thống thông tin, điện tín của ngành mình. Đột nhiên năm 1997, Quốc Hội họp bàn về vị trí cảng cho Nhà máy lọc dầu tại vịnh Dung Quất. Khi đó các “quan chức dự án” báo cáo với Quốc Hội về địa lý tự nhiên vịnh Dung Quất. Nội dung được trình bày trong cuốn “Các dự án xây dựng cảng & đường thủy Việt Nam đến năm 2010”. Sách được in công phu bằng 2 ngôn ngữ Việt và Anh của Nhà xuất bản Thông kê năm 1996.

Báo cáo của quan chức dự án

Trích dẫn trang 81 của cuốn sách trên: “ II- Vị trí và hiện trạng. Vịnh Dung Quất là vịnh sâu nằm phía đông bắc huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi, chia ra 2 vịnh: Vịnh lớn và Vịnh nhỏ.

Vịnh lớn: rộng 11km từ mũi Thanh Long đến mũi Co Co, độ sâu trung bình trên 20m. Chiều rộng trung bình 4km, nơi rộng nhất 5km. Chiều dài trung bình 12km, nơi dài nhất 13km. Tổng diện tích toàn vịnh 48km2. Đáy vịnh có cát mịn. Dọc bờ phía đông có mũi Co Co -Tuyết Diêm cao trung bình 20m che chắn.

Vịnh nhỏ: Có cửa là đường nối vịnh Sơn Trà và mũi Co Co. Chiều rộng 3,5km và diện tích khoảng 7km2. Độ sâu từ 6-20m. Phía đông bắc được che chắn bởi dãy núi đá thấp có chiều dài 2,3km. Phía đông có núi Nam Trâm (cao 141m) dài 1km. Bãi cát ven vịnh từ sông Cầu đến Trà Bồng có chiều rộng trung bình 100m. Tiếp đó là bãi rộng bằng phẳng có diện tích khoảng 10km2, dài 5km rộng 2km. Vịnh nhỏ là khu dự kiến lựa chọn vị trí xây dựng cảng Dung Quất. Khoảng cách từ cảng đến căn cứ Chu Lai 7km, đến cảng Sa Kỳ 17km, cách thị xã Quảng Ngãi 38km. Trong lịch sử khu vực vịnh nhỏ là vùng tránh nạn cho các tàu thuyền qua các cơn bão tố đã xảy ra. Luồng vào cảng có tính ưu việt: luồng tự nhiên sát biển có chiều rộng và chiều sâu khá lớn, khả năng tiếp nhận tàu trong điều kiện hòan toàn tự nhiên không phụ thuộc vào chế độ triều và nạo vét. Xét về quy mô và khả năng tiếp nhận tàu cũng như khả năng khai thác của nó trong điều kiện tự nhiên thì cảng Dung Quất có thể được xếp loại hàng đầu của các cảng lớn của Việt Nam. Cảng Dung Quất có độ sâu có thể tiếp nhận tàu hàng 50.000DWT và các tàu dầu 150.000DWT.” Hết trích dẫn.

Cuối năm 1997, Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết thông qua và quyết định xây dựng cảng Dung Quất theo như nội dung báo cáo của các quan chức Chính phủ.

Bình luận

Thực chất mặt nước vịnh Dung Quất giới hạn bởi mũi Thanh Long đến mũi Co Co có tổng diện tích là 46,87km2. Vùng có độ sâu dưới 10m là 24,59km2 (~52%). Vùng có độ sâu từ 10m đến 20m là 20,6km2 (~44%). Vùng nước có độ sâu trên 20m là 1,42km2 (~3%) nằm ở đoạn giáp giữa vịnh Dung Quất và ngoài khơi.

Như vậy, vịnh Dung Quất không thể đủ tiêu chuẩn để trở thành một cảng có khả năng tiếp nhận các tàu hàng và tàu dầu có trọng tải lớn như trong tài liệu in ấn đề cập, và như báo cáo của các quan chức cho các đại biểu Quốc hội.

Sự kiện

Ngày 09/10/2002, Tiến sĩ - Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi - Nguyễn Kim Hiệu và ông Trần Lê Trung -Trưởng Ban Quản lý KCN Dung Quất gửi công văn 01/CVUB-BQLKCNDQ đến Cục Hàng Hải thông báo rằng:

Trích dẫn “Hiện nay bến số 1 chuyên dùng dầu khí đã đi vào hoạt động và mang lại nguồn thu nhất định cho tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên luồng tàu vào chỉ đáp ứng cho tào khoảng 6000 -7000 DWT (độ sâu -6m) và không đáp ứng cho tàu 1 vạn tấn như đã thiết kế ... UBND tỉnh Quảng Ngãi và Ban Quản lý KCN Dung quất đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam quan tâm bố trí vốn và trực tiếp đầu tư nạo vét luồng tàu khu vực này ngay đầu năm 2003, bảo đảm yêu cầu tàu 2 vạn DWT có thể cập được …” Hết trích dẫn.

Sự thật và báo cáo của các quan chức sao khác biệt quá lớn?

Ngày 23/10/2006 tôi được ông Sáu Dân (tức Thủ tướng đương nhiệm thời đó, Võ Văn Kiệt) mời đến gặp. Khi bàn về cảng Dung Quất tôi đã thẳng thắn nói rõ, ông đã sai khi chọn vị trí cảng Dung Quất và hướng đê chắn sóng của cảng Dung Quất đang làm là sai.

Ông phản ứng: "Chung quanh tôi toàn các nhà khoa học."

Tôi cười: "Các nhà khoa học đó chỉ làm cho bác vui thôi."

Ông hứa tháng 11/2006 bố trí cho tôi đối thoại với các nhà khoa học của ông. Tôi nhận lời. Nhưng không rõ vì lý do gì, ông không thực hiện được.

Cuối năm 2008, anh H nguyên Bí thư tỉnh ủy tỉnh QN (hiện là TƯ ủy viên) đã nói với tôi, trước khi ông Sáu Dân mất có nói với anh H rằng: “Bọn mày đúng”.

Nhớ và thương ông Sáu Dân, ông vì đất nước muốn làm lợi cho dân, cho nước nhưng thiếu các tham mưu giỏi, trung thực. Còn các quan chức đương nhiệm, có quyền đã không có trình độ, lại có thói quen làm vui lòng cấp trên. Hậu quả, ông Sáu Dân ra đi đem theo nỗi buồn vì những quyết định của mình chưa trọn vẹn.

Các đại biểu Quốc hội năm 1997 đã góp phần làm buồn hương hồn ông Sáu Dân, vì biểu quyết của họ làm ông vui chốc lát nhưng cũng làm cho ông ân hận khi phải rời cõi trần nay.

Sáng 13/7/2008, chúng tôi gồm bốn người đến thăm bác Đỗ Mười tại nhà riêng ở Hà Nội (chúng tôi có lưu ảnh chụp kỷ niệm). Vào khoảng 11:30, trong khi đang gặp gỡ, bác Đỗ Mười nói rõ và mọi người đều nghe: “Bô xít Tây Nguyên là nguồn tài nguyên lớn. Chúng ta chưa có điều kiện về kinh tế, kỹ thuật và khả năng xử lý môi trường thì để cho con cháu đời sau khai thác. Tuyệt đối không cho người nước ngoài khai thác.”

Tôi trân trọng quyết định trên của bác Đỗ Mười vì tôi đã nghiên cứu khá kỹ về Bô xít Tây Nguyên từ năm 1998.

Sau này, khi nghe tin chủ trương xây dựng nhà máy luyện nhômTân Rai và Nhân Cơ của Tập đoàn Than- Khoáng sản, tôi thật sự ngạc nhiên.

Việc xây dựng hai nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ ngày càng phân hóa lòng người Việt Nam. Vì nó chỉ thỏa mãn ý đồ của Tập đoàn Than- Khoáng sản (hoặc ai đó) nhưng nó va chạm đến sự sống còn của hàng chục triệu dân miền Đông Nam Bộ.

Quê ngoại tôi ở Đồng Nai. Dân miền Đông xưa tuy nghèo hơn dân miền Tây nhưng cuộc sống cũng khá dễ chịu, không phải căng thẳng vì cái ăn. Người dân đến nhà nhau ăn uống tự do, không phải mời mọc. Họ theo cách mạng vì yêu nước, giận mấy thằng Tây ức hiếp chà đạp lên quyền độc lập tự chủ của quốc gia, nhân cách của con người. Họ theo cách mạng không phải vì đói nghèo. Dù là dân vùng rừng thiêng nước độc nhưng họ luôn nhớ về Hà Nội. Nhà thơ, người anh hùng của quê tôi Huỳnh Văn Nghệ đã nói lên tấm lòng chúng tôi với Hà Nội:

Từ thuở mang gươm đi mở cõi,

Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long.”

Tôi tin rằng các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã quyết định xây dựng hai nhà máy trên là vì dân, yêu thương dân chúng.

Nhưng dự án Tân Rai và Nhân Cơ của các quan chức dự án đáng tin không? Trước đây không lâu họ đã vi phạm bán than thổ phỉ qua Trung Quốc vì lợi ích riêng của họ. Quốc Hội chưa kịp đề xuất thay lãnh đạo Tập đoàn Than - Khoáng sản; nay tiếp theo họ đề xuất dự án luyện nhôm Tân Rai và Nhân Cơ. Vì lợi ích của họ hay một nhóm người mà để hàng chục triệu người phải hy sinh là điều bất công không thể chấp nhận được.

Tôi thỉnh cầu các đại biểu Quốc hội đang họp tại đất Thăng Long hãy tự soi mình và hãy coi mình là hậu duệ của những người “mang gươm đi mở cõi”, cân nhắc, không nên đồng ý cho việc đặt những quả bom hóa chất trên đầu nguồn nước uống sông Đồng Nai. Quyết định đúng của các vị có thể làm các “thủ trưởng” không hài lòng. Nhưng sau này các “thủ trưởng” sẽ cám ơn các vị vì đã giúp các “thủ trưởng” ghi lại công lao ở Văn Miếu Hà Nội cũng như Văn Miếu Trấn Biên.

Tôi thỉnh cầu các vị đại biểu Quốc hội của các tỉnh miền Đông, hãy mang theo trí tuệ và khí phánh của cha ông chúng ta ở Văn Miếu Trấn Biên đến đất Thăng Long, hiên ngang như anh hùng Huỳnh Văn Nghệ trước đây. Ông cha chúng ta đã hy sinh bằng mồ hôi và cả xương máu để khai phá vùng rừng thiêng nước độc này, để có một cơ ngơ thanh bình như hôm nay. Đừng để con cháu chúng ta mắc bệnh hiểm nghèo, âm dương cách biệt hoặc phải di tản khỏi miền Đông như kế hoạch di tản thủ phủ từ Biên Hòa về Long Thành do chất độc da cam tại sân bay Biên Hòa gây ra.

Không có lợi ích nào cao hơn lợi ích dân tộc. Không có bạn hay thù vĩnh viễn, chỉ có quyền lợi dân tộc là vĩnh viễn.

Kết những dòng này, xin khấn các vị ở Văn Miếu Trấn Biên phù hộ. Sự việc có lẽ quá muộn nhưng tấm lòng thành xin giải bày ra đây, dù rằng hy vọng còn quá ít ỏi.

Xin đa tạ.

KS Doãn Mạnh Dũng

ĐN Bauxite Việt Nam biên tập

Cựu Tổng thống Nam Hàn 'tự tử'


(BBC).Cựu Tổng thống Nam Hàn, Roh Moo-hyun, người đang bị điều tra vì bị cáo buộc tham nhũng, được cho là đã nhảy núi tự tử.

Một người phát ngôn nói ông Roh, 62 tuổi, có vẻ đã nhảy xuống một hẻm núi trong khi đang đi leo núi gần nhà, và để lại một thông điệp ngắn trước khi tự tử.

Tháng trước, ông Roh đã lên tiếng xin lỗi trên truyền hình sau khi bị cáo buộc là gia đình ông đã nhận 6 triệu dollar tiền hối lộ trong thời gian ông cầm quyền từ năm 2003 đến 2008.

Ông chưa bao giờ thừa nhận phạm những sai trái, nhưng nói ông xin lỗi vì đã làm người dân thất vọng.

Nhắn nhủ

Trong một tuyên bố đọc trên đài phát thanh và truyền hình quốc gia, cựu chánh văn phòng của ông Roh, Moon Jae-in, nói cựu Tổng thống đã để lại thông điệp trước khi qua đời.

Ông nói: "Cựu Tổng thống Roh đã rời khỏi nhà vào lúc 5h45, và trong khi đang đi leo núi Bonghwa, có vẻ đã nhảy xuống núi tự vẫn vào lúc 6h40".

"Ông để lại một thông điệp ngắn ngủi cho gia đình".

Trong thông điệp này, ông Roh mô tả cuộc sống của ông là "khó khăn" và ông xin lỗi vì đã làm cho "quá nhiều người phải đau khổ", theo truyền thông Hàn Quốc.

Hãng thông tấn Yonhap trích thuật thông điệp này nói rằng: "Mọi người không nên quá đau buồn. Chẳng phải sinh tử đều là lẽ tự nhiên sao? Đừng lấy làm tiếc.

"Xin hãy hỏa táng tôi. Và xin để lại một tấm bia mộ nhỏ gần nhà. Từ lâu, tôi đã nghĩ về chuyện này".

Cảnh sát nói cựu Tổng thống đã rơi từ độ cao 20-30m từ một đỉnh núi gần thị trấn Gimhae quê nhà, và sau đó được đưa tới bệnh viện đại học quốc gia Busan, nơi người ta cho biết ông đã qua đời khi tới bệnh viện vào lúc 8h30 sáng.

Các quan chức bệnh viện nói ông qua đời vì chấn thương lớn ở phần đầu.

Phản ứng

Vụ tự tử này - được biết là lần đầu tiên đối với một lãnh đạo hiện đại của Nam Hàn - đã làm cả nước bàng hoàng.

Tổng thống Lee Myung-bak, người kế nhiệm ông Roh nói: "Đây là một sự kiện thực sự không thể tin nổi và vô cùng đau buồn".

Ông Lee, người lúc đó đang có cuộc hội kiến với Tổng thống Czech, Vaclav Klaus, nói với các bộ trưởng phải chuẩn bị lễ tang cho ông Roh với đầy đủ sự "tôn trọng và nghi lễ cho cựu Tổng thống".

Người tiền nhiệm của ông Roh, là Kim Dae-Jung, thì nói ông đã mất đi "một người bạn đồng hành trong suốt cuộc đời, người cùng tôi tranh đấu cho dân chủ và chia sẻ một chính phủ dân chủ trong mười năm".

Người dân trên đường phố Seoul cũng có những phản ứng khác nhau trước tin này. Nhiều người tỏ ‎ý đau buồn, nhiều người chỉ trích giới truyền thông, trong khi một số người khác nói ông Roh nhẽ ra phải đợi hệ thống tư pháp quyết định có phạm sai trái gì không.

Thứ Ba, 19 tháng 5, 2009

THÁNH LỄ GIỖ 19 NĂM ĐỨC CỐ HỒNG Y GIUSE MARIA TRỊNH VĂN CĂN


18 giờ chiều ngày 18/5/2009, tại Nhà thờ Chính Toà Hà Nội, Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt và quý Cha đã long trọng cử hành Thánh lễ cầu nguyện cho Đức Cố Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn nhân dịp kỷ niệm 19 năm ngày Ngày Về Nhà Cha.

Đức hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn sinh ngày 19/03/1921, đúng ngày lễ kính thánh Giuse, do đó nhận thánh Giuse làm bổn mạng. Quê làng Bút Đông, xã Trát Bút (nay là xã Châu Giang), huyện Duy Tiên, Hà Nam.

Bút Đông là một giáo xứ lớn được hình thành từ lâu đời nằm ở mạn Tây sông Hồng đối diện với Phố Hiến. Bút Đông là một làng lớn có khoảng 3.000 nhân khẩu lương giáo sống hòa đồng. Bút Đông, từ lâu đời đã có nhiều cơ sở Công giáo : chủng viện Hoàng Nguyên, dòng Mến Thánh giá Bái Vàng. Bút Đông, nơi cư trú của linh mục thừa sai thông thái Théophane Vénard (tên Việt là VEN, 1829-1861) là giáo sư chủng viện Hoàng Nguyên và dịch giả cuốn Phúc Âm đầu tiên cho giáo dân người Việt, là thánh Tử Đạo.

Bút Đông là quê hương của nhiều vị linh mục và của hai Giám mục Giuse Nguyễn Tùng Cương - giáo phận Hải Phòng và Giuse Maria Trịnh Chính Trực - giáo phận Buôn Mê Thuột, và của vị Hồng Y thứ hai của giáo hội Công giáo tại Việt Nam - Giuse Maria Trịnh Văn Căn.

Việc dâng mình đi tu của cậu Trịnh Văn Căn diễn tiến đơn giản mà dứt khoát. Hôm ấy, hai mẹ con vào thăm Cha Xứ, tình cờ gặp Thầy Phêrô Nguyễn Đức Tín. Thầy hỏi cậu Căn có muốn theo Thầy không? Thế là cậu theo Thầy!

Hôm sau, 29-06-1929, mẹ tiễn con đến cầu Hòa Mạc, con theo Thầy xuống Nam Định tá túc thụ giáo với linh mục Xứ Nam Định Pédebidau (tên VN: Hóa).

Năm sau, 1930, Thầy Phêrô Tín chịu chức linh mục, về giúp xứ Kẻ Vôi, đưa cậu đệ tử theo, cho học trường Thường Tín. Năm 1931, cậu Căn đỗ bằng Sơ học Yếu lược Pháp-Việt. Từ đấy cậu bắt đầu cuộc sống học tập tu trì tại trường Tập Hà Nội trong 3 năm.

Đầu niên khóa 1934-1935, vào Tiểu chủng viện Hoàng Nguyên, đời linh mục Binet (Cố Ninh) làm Giám đốc, trong 5 năm. Sau 5 năm giúp xứ Yên Mỹ, một xứ đạo nhỏ trải dài bên sông Hồng, năm 1941 Thầy Trịnh Văn Căn được gọi về học Đại chủng viện Liễu Giai do các linh mục Xuân Bích điều hành dưới quyền linh mục Giám đốc Palliard (Lý).

Ngày 19-12-1946, chiến tranh chống Pháp toàn quốc bùng nổ, Đại chủng viện đóng cửa, Thầy Trịnh Văn Căn tản cư về quê Bút Đông rồi lên Đại Ơn với Cha Phêrô Tín một thời gian.

Khoảng tháng 03-1947, Thầy tìm đường lên Hà Nội trở về Đại chủng viện.

Bấy giờ Giám mục Hà Nội là Đức cha Francois Chaize (Thịnh ) gửi Thầy Trịnh Văn Căn và vài thầy khác vào lớp Thần học ở dòng Chúa Cứu thế tại ấp Thái Hà, dưới quyền linh mục Giám đốc Gagnon (Nhân) học nhờ một năm. Đầu năm học 1948 Đại chủng viện giáo phận đón nhận đông đảo các sinh viên trở về học tại số 40 phố Nhà Chung Hà Nội, linh mục Vuillard (Cố Huy) làm Giám đốc.

Những năm đầu trong sứ vụ linh mục

Ngày 03-12-1949 tại nhà thờ Chính tòa Hà Nội, Đức Giám mục Chaize đã long trọng truyền chức linh mục cho Thầy Giuse Trịnh Văn Căn cùng với các Thầy Hoàng Quốc Chương, Nguyễn Tùng Cương, và Đỗ Tông. Đây là khóa phong chức đặc cách vì hoàn cảnh đặc biệt trong chiến tranh.

Tân linh mục Giuse Trịnh Văn Căn được bổ nhiệm về xứ Hàm Long, làm phó cho Linh mục Chánh xứ Giuse Trịnh Như Khuê. Hai vị hiểu nhau, tín nhiệm nhau cho tới khi hai vị lần lượt được thăng Giám mục.

Ngày 15-08-1950 linh mục Trịnh Như Khuê được Tòa Thánh cử làm Giám mục Hà Nội thì linh mục Trịnh Văn Căn cũng rời Hàm Long lên tòa Giám mục nhận chức Thư ký của tân Giám mục. Qua năm sau, 1951, kiêm luôn Phó xứ nhà thờ Chính tòa (Chánh xứ là linh mục Nguyễn Huy Mai), kiêm luôn phó Giám đốc trường Trung học Dũng Lạc, Giám đốc là linh mục Phêrô Nguyễn Huy Mai.

Chánh xứ nhà thờ Chính tòa

Tháng 08-1952 linh mục Chánh xứ Nguyễn Huy Mai được bổ nhiệm Giám đốc Tiểu chủng viện Piô XII, linh mục Trịnh Văn Căn lên Chánh xứ kiêm Tổng quản miền Hà Nội. Với cương vị Chánh xứ, linh mục Trịnh Văn Căn thực hiện nhiều công trình. Có hai công trình lớn:

Xây nhà nguyện trong khuôn viên bệnh viện Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Việt-Đức). Ngày 01-05-1958 Đức Giám mục Trịnh Như Khuê chủ sự lễ nghi khánh thành.

Một công trình lớn và khó khăn nữa là trùng tu sửa chữa nhà thờ Chính tòa Hà Nội. Đây là ngôi thánh đường cổ kính được xây cất từ năm 1884 (hoàn thành năm 1888) dưới thời Đức Cha Puginier (Phước, 1835-1892).

Để khắc phục phần nào sự khó khăn về kinh phí tu sửa, linh mục Chánh xứ có sáng kiến tổ chức xổ số trong giáo xứ. Phát hành 100.000 vé, mỗi vé 5 đồng. Các hội đoàn, giáo dân, thiếu nhi trong giáo xứ tích cực hưởng ứng ủng hộ. Vé bán sạch. Ngày mở số 15-08-1953 diễn tiến tốt đẹp tại trường ThánhMẫu, 31 phố Nhà Chung Hà Nội. Nhiều người trúng giải đã tặng lại cho quỹ trùng tu nhà thờ.

Công việc đang tiến hành thì một biến chuyển lớn của đất nước: hiệp định Genève ra đời. Một số đông giáo dân trong ban trùng tu kiến thiết nhà thờ di chuyển vào Nam, kể cả linh mục cũng ra đi 100 người trong số 180 linh mục của giáo phận. Cha Giuse Trịnh Văn Căn ở lại Hà Nội bám sát giáo dân, phục vụ giáo phận và vẫn bình tĩnh tiếp tục công trình trùng tu sửa chữa nhà thờ.

Thời gian làm giám mục (1963 - 1979)

Ngày 02-06-1963, lễ Hiện Xuống, một sự kiện bất ngờ xảy ra tại nhà thờ Lớn, người ta chứng kiến lễ nghi tấn phong Giám mục cho linh mục Giuse Trịnh Văn Căn do Đức Tổng Giám mục Trịnh Như Khuê chủ lễ. Mọi người bỡ ngỡ vì không được thông báo gì cả.

Hôm sau, 03-06-1963, Toà Tổng Giám mục Hà Nội ra thông cáo cho giáo phận, trong đó nêu lý do vội vàng truyền chức cho Đức cha phó vì Đức Tổng Giám mục bỗng nhiên đôi mắt bị lòa, có thể bị mù.(Theo ĐC. Nguyễn Văn Sang, trong “Kỷ niệm về Đức Hồng Y Giuse- Maria Trịnh Văn Căn”, 1990, tr. 23-24).

Khẩu hiệu Giám Mục:
"Thương yêu - Vui mừng - Bình an"

Tham dự Hội đồng Giám mục thế giới


Ngày 21-09-1974, Đức cha Giuse Maria Trịnh Văn Căn rời Hà Nội sang Roma, thay mặt Đức Tổng Giám mục Hà Nội, tham dự Hội đồng Giám mục thế giới, khai mạc ngày 27-09-1974. Đây là sự kiện đặc biệt vì lần đầu tiên sau 20 năm chiến tranh Giáo hội miền Bắc không có điều kiện liên lạc thường xuyên chính thức với Tòa Thánh Roma.

Trong bài diễn văn khai mạc, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đặc biệt chào mừng Đức Tổng Giám mục phó của giáo phận Hà Nội. Vào sáng ngày 03-10-1974 Đức Tổng Giám mục Giuse Maria Trịnh Văn Căn đã đọc bài tham luận trình bày vắn tắt 4 điểm về tình hình hoạt động của Giáo hội miền Bắc.

Trong chuyến đi họp Roma này: sau khi bế mạc, ngày 26-10-1974 Đức cha Trịnh Văn Căn đến trụ sở Trung ương Dòng Phanxicô ở Roma thăm cha Tổng Phục vụ Constantin Koser và ngỏ ý xin vào dòng Ba Phanxicô. Cha Tổng Phục vụ đón tiếp và miễn chuẩn cho Đức cha khỏi qua năm "Tập" theo luật Dòng và nhận lời khấn của Đức cha, đồng thời ủy quyền cho Đức cha lập dòng Ba Phanxicô trong giáo phận của Đức cha.

Cũng trong chuyến phó hội Roma này, Đức cha Trịnh Văn Căn được niềm vui bất ngờ gặp lại bà thân mẫu tại Roma sau 20 năm cách biệt. Kể từ tháng 03-1947, Thầy Trịnh Văn Căn rời Bút Đông tìm đường lên Hà Nội về lại Đại chủng viện, đến khi được thụ phong linh mục, 1949, bà cụ ở miền quê Bút Đông xa xôi không thể lên Hà Nội dự lễ của con mình. Có một thời gian ngắn, khoảng 1952, làng Bút Đông bị Pháp ném bom, cơ ngơi bị bình địa, cụ ông đã qua đời, cụ bà phải lên Hà Nội với cô con gái. Năm 1954 bà cụ phải theo con gái - Cô Miều – di chuyển vào Nam. Bà cụ tưởng không còn gặp lại con trai duy nhất được nữa. Hôm ấy, 19-10-1974 bà cụ từ Sàigòn bay qua Roma gặp mặt Đức cha Trịnh Văn Căn, do sự sắp xếp của Đức ông Hasseler, người Đức, Giám đốc Caritas quốc tế chịu mọi phí tổn. Phần thưởng xứng đáng đối với bà cụ, một bà mẹ Việt Nam, Công giáo, suốt cuộc đời chấp nhận hy sinh cho chồng, dâng hiến con trai duy nhất cho Giáo hội. Ngày 25-10-1974 Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tiếp đón bà cụ tại phòng khách và chụp hình kỷ niệm.

Từ Tổng Giám mục Hà Nội đến Hồng Y

Ngày 06-08-1978 Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tạ thế, Đức Hồng Y Trịnh Như Khuê sang Roma dự cuộc bầu tân Giáo Hoàng là Đức Gioan-Phaolô I. Rồi kế tiếp dự bầu cử Đức Gioan- Phaolô II.

Về Hà Nội, Đức Hồng Y Trịnh Như Khuê qua đời đột ngột ngày 27-11-1978. Đức Tổng Giám mục phó Giuse Maria Trịnh Văn Căn với quyền kế vị, lập tức trở thành Tổng Giám mục Chính toà Hà Nội.

Ngày 02-05-1979, tức là chỉ 6 tháng sau khi kế nhiệm, Ngài đã được Tòa Thánh vinh thăng Hồng Y. Trung tuần tháng 09-1979, Đức cha lên đường sang Roma nhận mũ Hồng Y.

Ngày 30-06-1979, tại thánh đường Phaolô VI ở Roma Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II trao mũ đỏ cho tân Hồng Y Trịnh Văn Căn, ngày 02-07-1979 lễ trao nhẫn Hồng Y. Ngày 08-07-1979 tân Hồng Y đến nhận nhà thờ Maria in Via, theo tục lệ của Tòa Thánh.

Ngày 31-07-1979 Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn về đến Hà Nội bình an. Từ 1963 với cương vị Tổng Giám mục phó, 1978 với cương vị Tổng Giám mục, 1979 với cương vị Hồng Y Giáo chủ Hà Nội cho đến ngày tạ thế, trải qua 27 năm dài lãnh đạo giáo phận Hà Nội, Đức cha Giuse Maria Trịnh Văn Căn đã thực hiện những công trình thật ý nghĩa cho giáo phận, trong hoàn cảnh thật khó khăn.

Về Thánh nhạc

Tuy lớn tuổi, Đức cha vẫn quyết tâm học đàn. Ngài đã thành công. Có một công trình lớn là sưu tầm, chỉnh lý, bổ sung, hệ thống hóa và phổ biến rộng rãi những bài văn cổ dâng hoa. Đức cha là người đầu tiên bỏ nhiều công sức ghi nhạc, sửa lời những bài văn quý tản mát, mai một theo thời gian, xuất bản được 7 bộ dâng hoa và một số bài hát dâng hoa đi đôi với các bài văn. Đây là tư liệu đáng trân trọng cho những ai nghiên cứu âm nhạc dân tộc và sự hội nhập văn hóa của Công giáo Việt Nam vào dòng âm nhạc dân tộc.

Từ năm 1973, Ngài dịch những bài hát tiếng La tinh sang tiếng Việt, xuất bản 3 tập Thánh Ca I, II, III vào năm 1976 và tập IV 1987. Năm 1989 xuất bản cuốn "Học đàn, học nhạc, học hát".

Đây là sự thể hiện những nỗ lực của Đức cha muốn đóng góp phần nhỏ của mình vào nền Thánh nhạc Việt Nam và khuyến khích cho phát triển.

Dịch Kinh Thánh

Năm 1972, Đức cha khởi công dịch Tân ước. Công việc dịch thuật tiến hành trong hoàn cảnh khó khăn đủ thứ và trong những ngày chiến tranh khủng khiếp. Ngài âm thầm lặng lẽ miệt mài làm việc thâu đêm đều đặn. Năm 1975 xuất bản được 5.000 cuốn. Đây là lần đầu tiên sau chiến tranh sách đạo được ấn hành phổ biến cho giáo dân.

Năm 1981, một tổ chức từ thiện ngoại quốc bảo trợ tái bản 50.000 cuốn làm quà tặng Ngài lên chức Hồng Y ở Roma về.

Năm 1978 Đức cha tiếp tục chuẩn bị dịch Cựu Ước. Nhận tin Tòa Thánh thăng chức Hồng Y, Đức cha sang Roma nhận chức, trở về nước Ngài tranh thủ thì giờ miệt mài dịch thuật, hoàn thành được bản thảo. Đường hướng chủ trương dịch Tân ước và Cựu ước của Đức cha là hạn chế sử dụng chú thích điển cố. Tìm mọi cách diễn đạt lời Chúa bằng ngôn ngữ thông thường, vận dụng lời văn bình dị của người bình dã đơn sơ chất phác. Như vậy, tư tưởng trong Cựu và Tân ước đi sâu vào tâm hồn người vốn mộc mạc khó nghèo. Cuối năm 1988 bản dịch Cựu ước hoàn thành.

Hình thành Hội đồng Giám mục Việt Nam

Hoàn cảnh mới của đất nước sau 1975 đưa đến một nhu cầu mới của Giáo hội, phù hợp với ước vọng chung của các Giám mục toàn quốc là thành lập Hội đồng Giám mục của nước Việt Nam thống nhất.

Sự thành lập Hội đồng Giám mục Việt Nam manh nha từ 1976 trong dịp Đức Tổng Giám mục Trịnh Như Khuê đi Roma nhận chức Hồng Y trở về. Nhưng mãi đến năm 1979 khi Đức Tổng giám mục Trịnh Văn Căn đi Roma nhận chức Hồng Y trở về, Ngài khẩn trương tiếp xúc với chính quyền và ban Tôn giáo trung ương để thu xếp công việc, được Thủ tướng chính phủ chấp thuận.

Ngày 03-01-1980. Đức Hồng Y đưa đơn chính thức xin phép Nhà nước cho các Giám mục Việt Nam được tập trung “Cấm phòng” ở Hà Nội, họp trù bị.

Từ 24-04 đến 01-05-1980, có 33 Giám mục trong cả nước về Hà Nội dự đại hội thành lập Hội đồng Giám mục Việt Nam. Đại hội thông qua Ủy ban Thường vụ gồm Chủ tịch là Đức Hồng Y Giuse Trịnh Văn Căn, hai phó Chủ tịch là Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình (1910-1995) và ĐứcTổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền (1921-1988). Đức cha Giuse Nguyễn Tùng Cương làm Tổng Thư ký, Hội đồng Giám mục gửi thư chung cho toàn giáo dân Việt Nam và hải ngoại.

Sau khi ra đời, Hội đồng Giám mục Việt Nam được chính phủ Việt Nam cho phép hai phái đoàn gồm 25 Giám mục qua Liên Xô, Hungari rồi qua Roma. Từ đó chính phủ Việt Nam còn cho phép mở 06 chủng viện trong cả nước, in ấn sách đạo v.v...

Trong 27 năm làm Giám mục, Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn đã truyền chức cho nhiều vị Giám mục miền Bắc :

1/. Đức cha Phan Thế Hinh, Giám mục Hưng Hóa, ngày 14-11-1977.

2/. Đức cha Nguyễn Thiện Khuyến, Giám mục phó Phát Diệm, 24-11-1977.

3/. Đức cha Nguyễn Tùng Cương, Giám mục Hải Phòng, 18-02-1979

4/. Đức cha Trần Xuân Hạp, Giám mục Vinh, 04-03-1979.

5/. Đức cha Vũ Duy Nhất, Giám mục Bùi Chu, 08-08-1979.

6/. Đức cha Đinh Bính, Giám mục Thái Bình, 08-12-1979.

7/. Đức cha Nguyễn Văn Sang, Giám mục phụ tá Hà Nội, 22-04-1981.

8/. Đức cha Nguyễn Văn Yến, Giám mục phó Phát Diệm, 16-12-1988.

9/. Đức cha Nguyễn Quang Tuyến. Giám mục phó Bắc Ninh, 25-01-1989 .

Tháng 06-1988: Đức Hồng Y kiêm Giám quản Tông toà Tổng giáo phận Huế sau khi Đức Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền qua đời.

Đầu 1990, Giám quản Tông tòa thêm 3 giáo phận Hưng Hóa, Thái Bình và Thanh Hóa.

Cuộc đời Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn, có 3 công trình do Ngài khởi xướng hoặc tác tạo:

· Thứ nhất là việc khởi xướng thành lập Hội đồng Giám mục Việt Nam có ý nghĩa lớn lao là kết hợp được các Giám mục trong một tổ chức để phối hợp công cuộc mục vụ cho có kết quả, đồng thời đặt cơ sở cho những hoạt động hữu hiệu khác trong tương lai.

· Thứ hai là việc xin Đức Giáo Hoàng phong Hiển thánh cho các vị Chân phúc Tử đạo Việt Nam. Vấn đề phức tạp và tế nhị này cuối cùng đã được giải quyết với ý nghĩa thuần túy tôn giáo. Hằng năm vào ngày 24 tháng 11 lễ kính các thánh Tử đạo Việt Nạm được cử hành trong sinh hoạt bình thường của đạo Công giáo.

· Công trình thứ ba là dịch toàn bộ Kinh Thánh ra tiếng Việt và ấn hành nhiều lần.

Vĩnh biệt …

Chiều 15-05-1990, Đức Hồng Y lên lớp dạy cho sinh viên Đại chủng viện Hà Nội theo thời khóa biểu. 19 giờ không thấy Ngài dùng cơm tối…

Đúng 20 giờ 30 Đức Hồng Y qua đời vì bệnh nhồi máu cơ tim và áp huyết đột ngột. Đức Hồng Y hưởng thọ 69 tuổi. Ngài là vị Hồng Y thứ hai của Giáo hội Việt Nam trong 11 năm.

Lễ an táng cử hành long trọng sáng ngày 23-05-1990 do Đức Hồng Y Roger Etchegaray đặc sứ của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II cử sang Hà Nội chiều ngày 22-05-1990.

Ban biên tập tgphanoi.org

Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2009

Giáo phận Long Xuyên: Thánh lễ tạ ơn nhân dịp Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ mừng sinh nhật 100 tuổi


Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ

Giám mục tiên khởi Giáo phận Long Xuyên

100 tuổi, 75 năm linh mục, 50 giám mục

Sinh ngày 02/2/1909 tại Vạn Đồn, huyện Thụy Anh, tỉnh Thái Bình

1922 : nhập Tiểu chủng viện Mỹ Sơn, Lạng Sơn

1928 : du học tại Đại chủng viện Luçon, Pháp

29/06/1934 : Thụ phong linh mục tại Đại chủng viện Luçon, Pháp

1934-1938 : Giáo sư tại Tiểu chủng viện Mỹ Sơn, giáo phận Lạng Sơn

1938-1939 : Thư ký tòa Khâm sứ Tòa thánh tại Huế, kiêm Giám đốc Toà báo Sacerdos Indosinensis

1940-1943 : coi Tiểu chủng viện Mỹ Sơn, Gp Lạng Sơn

1943-1951 : Chánh xứ Lộc Bình và Mỹ Sơn, Gp Lạng Sơn

1951 : Tổng đại diện giáo phận Lang Son.

1954 – 1960 : Chánh xứ Lạng Sơn, Xóm Mới, Gò Vấp, quản hạt Gò Vấp, Gp Saigon

1957 : Phó Công giáo Tiến hành Việt Nam

1958 : Xử lý thường vụ Công giáo Tiến hành Việt Nam

8.1960 : Phó Giám đốc kiêm giáo sư giáo phụ và Công giáo Tiến hành tại Đại Chủng Lê Bảo Tịnh, Saigon

24.11.1960 : Tòa Thánh bổ nhiệm Giám mục tiên khởi tân giáo phận Long Xuyên. Khẩu hiệu Christus in vobis (Chúa Kitô trong anh chị em)

22.1.1961 : Lễ tấn phong Giám mục tại nhà thờ Đức Bà Sàigòn do ĐTGM P.M. Ngô Đình Thục chủ phong với sự phụ phong của hai Đức Cha Jean Cassaigne (M.E.P) và Thadeus Lê Hữu Từ, O.Cist.

4.4.1961 : Nhậm chức Giám mục Giáo phận Long Xuyên

30.12.1997 : Hưu dưỡng tại Long Xuyên

Ngày 14/5/2009, tại nhà thờ Chính tòa Long Xuyên, 23 giám mục (Đức Hồng y chủ lễ và Đức Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt giảng lễ), cùng với 244 linh mục, chủ yếu thuộc Giáo phận Long Xuyên, đông đảo tu sĩ và anh chị em giáo dân đã dâng thánh lễ tạ ơn, nhân dịp Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ mừng sinh nhật 100, 75 năm linh mục và 50 giám mục.

Đây là một sự kiện trọng đại và đầy ý nghĩa, không phải chỉ của cộng đồng dân Chúa tại giáo phận Long Xuyên mà còn của cả Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, đặc biệt vào những tháng ngày giáp năm Giáo phận Long Xuyên mừng 50 thành lập giáo phận, và Giáo hội Công giáo Việt Nam tổ chức Năm Thánh mừng 50 thành lập hàng Giáo phẩm Việt Nam.

Cây cổ thụ

Với tuổi 100, - thực ra, tới ngày lễ hôm nay, 14/5/2009, khi cùng dâng thánh lễ Tạ ơn, Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ đã bước sang tuổi 101 được trên 100 ngày, - Đức Cha Micae đang là giám mục cao tuổi nhất hiện nay tại Việt Nam, và là một trong ba vị giám mục nhiều tuổi nhất của cả hàng giáo phẩm Công giáo Roma. Một trăm năm tuổi đời với thể xác bình an, đầu óc tỉnh táo, Đức Cha Micae đã đạt đến giấc mơ có lẽ của mọi người vào mọi thời: “Chúc sống lâu trăm tuổi”. Một trăm năm tuổi đời, trong đó 87 năm, Đức Cha đã sống trong sự rèn luyện mình để đi theo ơn gọi phục vụ Hội thánh Chúa với tư cách linh mục, rồi giám mục, những người gần gũi ngài, đặc biệt là các học trò và cộng sự của ngài, đã có thể nhìn thấy, nơi ngài, đức độ, tình người, lòng yêu thương Chúa và người đồng loại chất đầy với năm tháng, trong tập “Viết Về Cha”, được thực hiện nhân dịp trọng đại này.

Đức Cha Micae cũng nằm trong số các giám mục Việt Nam lần đầu tiên được diễm phúc tham dự Công đồng chung của Giáo hội Công giáo toàn cầu, và lại là Công đồng Vatican 2, một Công đồng vĩ đại đã để lại dấu ấn nổi bật trên tinh thần phát triển của Giáo hội: đổi mới trên cơ sở trở về nguồn cội. Đức Cha Micae cũng còn là một trong số rất hiếm hoi các nghị phụ của Công đồng chung Vatican 2, còn lại.

Xin được hợp lòng với Đức Cha Micae cảm tạ Thiên Chúa vì hồng ân hiếm hoi ngài đã nhận được trong hàng con cái loài người.

Người đặt viên đá xây dựng Giáo phận Long Xuyên

Là giám mục tiên khởi của giáo phận Long Xuyên mới được thành lập, Đức Cha Micae đã có thể được coi là người đặt viên đá đầu tiên của công trình xây dựng Giáo phận mới: xây dựng hàng giáo sĩ bằng việc xây dựng Tiểu chủng viện, Đại chủng viện, đào tạo giáo dân để họ trở thành những tông đồ tích cực của Giáo Hội tại vùng đất ở mút cùng đất nước này bằng việc thành lập viện Giáo lý đào tạo giáo lý viên chuyên nghiệp, cổ vũ việc mở trường học tại các giáo xứ. Ngài cũng là người xây dựng cho giáo phận ngôi nhà thờ Chính tòa nguy nga ngay tại thành phố Long Xuyên.

Khởi công, Đức Cha Micae cũng đã nghĩ ngay tới người phát triển giáo phận. Năm 1973, ngài đã cho các linh mục trong giáo phận bỏ phiếu tham khảo tìm người kế vị ngài. Một trong ba linh mục được nhiều phiếu nhất đã được Tòa Thánh chọn. Và quyết định phong giám mục cho Đức Cha G.B. Bùi Tuần của Vatican về tới Long Xuyên ngày 17.4.1975. Lễ phong chức Giám mục phó giáo phận Long Xuyên được cử hành hai tuần sau đó, ngày 30/4/1975. Ngay sau khi giáo phận có giám mục phó, Đức Cha Micae đã trao lại quyền hành: “Từ nay, Đức Cha toàn quyền, tôi rút lui vào bóng tối và giữ quyền người cha trong Giáo phận, không phải người cai trị”.

Đức cha Bùi Tuần đã tiếp tục công việc của Giám mục. Giáo phận tiếp tục phát triển. Năm 2003 Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu thay thế.

Trong thánh lễ hôm nay, ba thế hệ Giám mục của giáo phận Long Xuyên cùng có mặt: người khởi công, người tiếp nối công việc và người dẫn dắt giáo phận sánh bước với Giáo hội trên cả nước bước sang một bước phát triển mới với biến cố Năm Thánh của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam. Khác biệt trong liên tục, vì hiệp nhất (Ut sint unum, khẩu hiệu giám mục của Đức Cha Giuse Trần Xuân Tiếu), trên nền tảng của một lệnh truyền (Unum Mandatum, khẩu hiệu giám mục của Đức Cha G.B. Bùi Tuần): hãy thương yêu nhau vì tất cả là môn đệ của Thày. Và chỉ có lòng yêu thương này mới là dấu chỉ Christus in vobis (Chúa Kitô ở giữa anh chị em).

Đức Kitô trong Giáo hội Công giáo ở Việt Nam

Cuộc gặp gỡ hôm nay tại nhà thờ Chính tòa Long Xuyên còn là dấu cho thấy Đức Kitô luôn hiện diện trong Giáo Hội của Ngài tại Việt Nam với quyền năng đem lại sức sống và tạo nên sự trẻ trung: Thánh lễ Tạ ơn hôm nay đã quy tụ dưới cùng một mái nhà, xung quanh cùng một bàn tiệc thánh, vị giám mục cao tuổi nhất, Đức Cha Micae, 50 năm giám mục và Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, mới được phong giám mục hôm trước tại Ban Mê Thuột.

NN. và VSH

Thứ Năm, 14 tháng 5, 2009

Nguyễn Tú Trân - Cô nàng thích “sưu tầm” giải thưởng

Gầy mảnh khảnh và ánh mắt sáng thông minh, Tú Trân lắc đầu quầy quậy về sở thích “sưu tầm” giải thưởng chuyên ngành thiết kế khi được hỏi.

Mặc dù ngay lần đầu tiên tham dự cuộc thi Hoa Mai khi còn là sinh viên năm cuối trường Kiến Trúc, cô nàng đã “rinh” ngay luôn giải nhất. Rồi càng trò chuyện, mới vỡ ra cô nàng còn sở hữu rất nhiều giải thưởng khác.

Nguyễn Tú Trân, giảng viên Thiết kế nội thất, ĐH Công nghệ Sài Gòn


“Duyên” với môn Văn

Bố là giáo viên dạy Toán, cả gia đình đều gắn kết với những môn tự nhiên, thế mà chẳng hiểu tại sao Tú Trân lại có “duyên” với môn Văn đến vậy. Từ những giải thưởng cấp huyện ở Long Khánh - Đồng Nai, cho đến giải tỉnh năm lớp 9 và giải quốc gia năm lớp 12, tất thảy đều đóng mác học sinh giỏi môn Văn. Chính vì điều đó mà ba của Trân đã luôn “nhăn mặt” với cô con gái vì... giỏi môn Văn, bởi báo chí không phải sự lựa chọn của Trân. Thế là dù đạt giải nhiều lần nhưng Tú Trân vẫn luôn giữ cái cảm giác “tủi thân” vì chỉ có mẹ ủng hộ và cổ vũ mà thôi.

Ba Trân là một người khó tính, nên từ bé đến lớn, anh em Trân đều tự học ở nhà, không ai được đi học thêm cả. Thế nhưng chính anh trai kế của Trân đã “mào đầu” cho việc tự theo học thêm vẽ ở Sài Gòn, rồi anh thi đỗ vào trường Kiến Trúc, kèm vào việc ba hay “cằn nhằn” về việc học Văn của Trân, nên anh trai Trân dụ dỗ ngay cô em gái: “Ở trường Kiến Trúc có một ngành có liên quan đến môn Văn đó bé, thi vào đó cũng dễ chịu lắm!”. Thế là ngay khi kết thúc học kỳ hè lớp 11, cô nàng khăn gói theo anh lên Sài Gòn học thêm môn Vẽ trong vòng 3 tháng, rồi hì hục “cày” hết năm lớp 12 ở Đồng Nai và trở thành sinh viên năm đầu khoa Thiết kế Nội thất trong năm kế tiếp ở trường Kiến Trúc.
Đam mê dành cho nội thất

Cô học trò nhỏ nhắn đã ghi điểm ấn tượng đầu tiên với giảng viên ở trường Kiến Trúc bởi điểm phẩy cao ngất ngưởng về môn Triết Mác-Lênin, “mà cho đến tận bây giờ khi quay về trường thầy cô vẫn còn nhớ”, Tú Trân tự hào chia sẻ. Và những điểm phẩy của suốt những năm học ở trường của Trân luôn nằm trong Top của lớp đủ để bất cứ sinh viên khóa sau nào cũng mong đạt được. Thế mà Trân lại cực khiêm tốn: “Mình cũng bình thường, có gì đâu!”.


Trân cũng lắc đầu khi nói về “sở thích sưu tập giải thưởng” của mình. Trân thú nhận là bản thân cô không hề thích ganh đua hay tranh giành giải thưởng. Nhưng đến năm cuối, khi thấy các bạn tham dự những cuộc thi, có giải thưởng, tự bản thân Trân tự bảo mình: “Mình cũng thử làm một cái gì đó để thử sức mình xem sao”, và ngay năm đó Trân đăng kí cuộc thi Sao Mai - cuộc thi dành riêng cho chuyên ngành Thiết kế Nội thất. Và cô nàng giành luôn giải nhất một cách thuyết phục.

Trân cũng thừa nhận cô có một niềm đam mê đặc biệt dành cho nội thất, những mẫu thiết kế được vẽ nên, dựng lên thành sản phẩm luôn khiến Trân đạt được một thứ hạnh phúc thật sự.

Khi trở thành nhân viên của công ty cô đang làm bây giờ, Trân vẫn tiếp tục thi cuộc thi Sao Mai. Điều đáng tiếc là khi ráp sản phẩm, Trân lại phải đi công tác, không trực tiếp giám sát được nên sản phẩm của cô bị lỗi khi đem dự thi. “Một chiếc ghế hình hoa hướng dương, nhưng hoa của mình rơi từng cánh khi được bung ra” - Trân nói trong tiếc nuối. Nhưng cô nàng vẫn được giải sản phẩm độc đáo trong cuộc thi này.


Và trở thành giảng viên đại học

Trân cho rằng điều may mắn nhất của Trân là được sếp thông cảm khi Trân đứng “một chân hai thuyền”. Với kinh nghiệm của những năm thực hành và làm việc thực tế, những giải thưởng đạt được kèm tốt nghiệp nằm trong top đầu ra trường khiến Trân nhanh chóng được mời thỉnh giảng và trở thành giảng viên khoa Thiết kế Nội thất của trường đại học Công Nghệ Sài Gòn khi mới 24 tuổi.


Chia sẻ về việc làm giảng viên, Trân thừa nhận mình thật sự thiếu khả năng sư phạm, nhưng vì đã từng là sinh viên của ngành này, bản thân khi còn là sinh viên Trân tự cóp nhặt những điều còn thiếu, hay những mong muốn được giảng viên hướng đến, Trân đem vào “nghề dạy” của mình. Và vì còn trẻ nên Trân dễ hòa đồng với những bạn sinh viên không bé hơn mình bao nhiêu tuổi, chưa kể còn có những sinh viên còn lớn tuổi hơn cả Trân. Trân luôn cố gắng để có thể chia sẻ với sinh viên về những kinh nghiệm của mình, cũng như truyền đạt niềm đam mê lẫn khả năng sáng tạo trong chuyên ngành này.

Hiện tại, Trân đang cảm thấy “khó xử” bởi công việc ở hai nơi đều khiến thời gian của Trân trở nên căng hơn nhiều. Trân vừa phải giám sát công trình, vừa phải đăng kí lịch dạy ở trường nên khiến cô nàng vốn đã nhỏ bé trở nên gầy guộc hơn. Nhưng Trân bảo: “Mình muốn sẽ tiến xa hơn trong mỗi công việc mình đã lựa chọn, và mình phải “trả giá” cho đam mê của mình chứ!”.


Dù vẫn luôn miệng “than vãn” về việc đã không còn thời gian để thở, nhưng Trân vẫn hào hứng chia sẻ về cả mong muốn trở thành stylist cho ngành Nội thất - một điều mới mẻ. Và tham vọng của cô nàng là sẽ trở thành người thiết kế, dựng hình cho chính sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng.

Theo Dân Trí

Đôi nét về Công ty Cổ phần xây dựng kiến trúc AA corporation



Nhân chuyến tham quan nhà máy AA corporation tại Long An ngày 14. 05. 2009 của lớp Nội thất, Khoa Design- STU. Xin giới thiệu đôi nét về công ty AA corpotion để các bạn tìm hiểu thêm.

AA corpotion là một công ty xây dựng chuyên về trang trí nội thất được thành lập năm 1993, Công ty AA đã có những bước phát triển liên tục để trở thành một trong những công ty xây dựng nội thất hàng đầu và là nhà sản xuất đồ gỗ gia dụng chất lượng cao tại Việt Nam cũng như trên thị trường quốc tế. Qua hơn một thập kỷ, AA Corporation đã nỗ lực hết mình nhằm đáp ứng cao hơn mong đợi của khách hàng bằng việc đầu tư rất lớn cho sự đồng bộ của các sản phẩm và dịch vụ. Trong thời gian này Công ty AA đã và đang tiếp tục phát triển nhanh để trở thành một công ty toàn cầu với hơn 2000 công nhân viên lành nghề.

AA Corporation đã từng thực hiện và quản lý nhiều công trình lớn và đã trở thành một trong những công ty trang trí nội thất hàng đầu hoạt động tại Đông Nam Á. Đơn vị xây dựng (hay còn gọi là AA Interiors) đã liên tục sản xuất và cung cấp dịch vụ lắp đặt chất lượng cao cho các khách sạn, công trình dân cư, spa, cửa hàng bán lẻ, nhà hàng và văn phòng trên khắp Việt Nam. AA Interiors đã góp phần thực hiện nhiều dự án phát triển cao cấp tại hầu hết các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Thêm vào đó, AA Interiors cũng đã cung cấp dịch vụ lắp đặt cho nhiều công trình khách sạn và khu nghĩ dưỡng quốc tế và đang tiếp tục mở rộng kinh doanh đến những vùng miền mới trên khắp thế giới.

Thêm vào đó, trong lãnh vực lắp đặt nội thất, Công ty AA rất phù hợp trong việc cung cấp nhiều kiểu đồ nội thất đa dạng cho khách hàng thông qua đơn vị sản xuất (Còn gọi là AAF). Các nhà máy của AAF chuyên sản xuất đồ nội thất bằng kim loại, gỗ và bọc nệm, đồng thời sử dụng các kỹ thuật truyền thống để chạm, tạo hoa văn gỗ và đúc. Khả năng sản xuất đa dạng này làm cho Nhà máy AA trở thành “một điểm đến” cho tất cả các công trình thương mại trên khắp thế giới. Sản phẩm tinh tế của chúng tôi được cung cấp cho cả những hợp đồng công trình khách sạn và khách hàng sưu tầm trên toàn thế giới, những điều này làm cho công ty AA thực sự trở thành một doanh nghiệp toàn cầu.

AA Corporation không những là nhà sản xuất đồ gỗ giàu kinh nghiệm mà còn là một trong những công ty bán lẻ đồ nội thất hàng đầu tại Việt Nam. Đơn vị bán lẻ (Còn gọi là AAD) hiện đang sở hữu ba thương hiệu đồ nội thất chính tại Việt Nam, mỗi thương hiệu chuyên cung cấp đồ nội thất chất lượng cao cho từng đối tượng người tiêu dùng Việt Nam. Với kinh nghiệm rất nhiều về thiết kế đồ gỗ, trang trí và sản xuất, AAD đã liên tục mở rộng phạm vi bán hàng của chúng tôi trong khi vẫn tiếp tục bổ sung thêm những thương hiệu khác vào hoạt động của mình. Hiện nay, cả ba thương hiệu Nhà Xinh, AA Deco và Bellavita đều đang được bán trên khắp Việt Nam và doanh số tiếp tục tăng ổn định hằng năm.

AA Corporation tiếp tục quan tâm cao độ trong việc cung cấp cho khách hàng dịch vụ chất lượng cao như đã thực hiện trong hơn 15 năm qua. Vì sự quyết tâm vươn đến sự hoàn hảo, Công ty luôn tìm cách áp dụng những bộ thực hành tốt trong toàn công ty. Công ty AA đã đạt được chứng nhận ISO 9001:2000 nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như các quá trình được duy trì, đồng thời chúng tôi đang nghiên cứu bổ sung thêm những cải tiến nhằm nâng cao hơn nữa khả năng dịch vụ khách hàng của chúng tôi. Thêm vào đó, chúng tôi đã được hội đồng quản lý rừng quốc tế (FSC) chứng nhận đạt tiêu chuẩn FSC-COC và đặt ưu tiên cao trong việc thực hành chủ trương Xanh trong toàn công ty. Nhằm nâng cao năng lực hơn nữa, Công ty AA đã hợp tác với SAP, là công ty hàng đầu thế giới về ERP để triển khai dự án ERP. Nhằm tiếp tục nhất quán mọi quá trình kinh doanh và dịch vụ trong toàn công ty AA. Công ty chúng tôi hiện đang nỗ lực để áp dụng đầy đủ các chức năng của hệ thống SAP trong năm 2009.