Thứ Hai, 21 tháng 3, 2011

Nguồn gốc tên gọi, quốc kỳ, quốc huy các nước

AI CẬP (EGYPT) – QUỐC GIA RỘNG LỚN

I. Nguồn gốc tên gọi
Ai Cập có tên đầy đủ là “nước Cộng hòa Ả Rập Ai Cập”, nằm ở đông bắc châu Phi, còn có một bộ phận nhỏ lãnh thổ là bán đảo Sinai nằm ở góc tây nam châu Á. Nguồn gốc tên gọi có nhiều cách khác nhau.

1. Bắt nguồn từ tên gọi cổ của quốc gia này là “Gakapta”, mang ý nghĩa “nơi ở của thần Puta” hoặc “người bảo vệ đất đai”. Puta là vị thần chủ yếu của cố đô Memphis Ai Cập cổ, người Ai Cập cổ phụng thờ Puta như là vị cha của nhân loại, Chúa sáng thế.

2. Có nguồn gốc từ danh xưng Hy Lạp “Aigyptos”, mà người Hy Lạp đã bắt đầu sử dụng danh từ này từ khoảng 1000 năm tr.CN, nguồn gốc có nhiều cách giải thích khác nhau: một thuyết cho rằng người Hy Lạp biến chữ “Gakapta” thành “Aigyptos”. Một thuyết nói đây có nghĩa là “nơi ở của kên kên” (“aia” nghĩa là “đất đai”, “gyptos” là “kên kên”), kên kên là một loại động vật nổi tiếng của quốc gia này. Còn một truyền thuyết có nguồn từ người Koptos hay thành Koptos, kinh đô của những vương triều đầu tiên của Ai Cập.

3. Có nguồn từ tiếng Phoeniki là “Kapthor”, mang ý nghĩa “đảo”, chỉ quốc gia này hình thành ở vùng đất có sông Nile bao quanh. Danh xưng này về sau truyền vào Hy Lạp thêm vào phụ tố đầu “Aia” mang nghĩa “vùng đất”, “quốc gia”, biến thành danh xưng Hy Lạp là “Aigyptos”.

4. Người Ả Rập gọi Ai Cập là “Misr”. Trong tiếng Ả Rập, “Misr” biểu thị ý “quốc gia rộng lớn”. Năm 640, người Ả Rập rời bỏ bán đảo Ả Rập, phiêu tán khắp nơi, xâm nhập vào Ai Cập, lúc đó Ai Cập là một nước lớn lân bang. Sau cuộc viễn chinh của quân đội Hồi giáo, Ai Cập thuộc về đế quốc Ả Rập, người Ả Rập gọi là Ai Cập là “Misr” cho tới ngày nay.

Ai Cập là một trong bốn cái nôi văn minh lớn của nhân loại, 3200 năm tr.CN đã xuất hiện quốc gia thống nhất chiếm hữu nô lệ đầu tiên. Từ thế kỷ IV hình thành nhà nước phong kiến. Người Ai Cập tự xưng mình là “Kaimu Te” (vương quốc màu đen), hay “Bage Te” (nước của ôliu). Trong thời kỳ Ai Cập bị phân thành hay quốc gia nam và bắc, quốc gia phần trên gọi là “Saimao” tức là “nước của kênh rạch”, còn quốc gia phần dưới là “Mehu” mang nghĩa “nước của lau sậy”. Năm 1517, người Thổ Nhĩ Kỳ xâm nhập, Ai Cập trở thành một hành tỉnh của đế quốc Ottoman. Từ năm 1798 đến 1801, Ai Cập bị Pháp chiếm lĩnh. Năm 1882, quân Anh xâm chiếm Ai Cập, năm 1914 trở thành nước bảo hộ của Anh. Ngày 28 tháng 2 năm 1922. Ai Cập trở thành vương quốc độc lập. Ngày 18 tháng 6 năm 1953, Ai Cập phế bỏ chế độ quân chủ chuyên chế, thành lập nước cộng hòa. Tháng 2 năm 1958, sau khi liên minh với Syria, gọi là Cộng hòa liên minh Ả Rập. Tháng 9 năm 1961, phân thành hai quốc gia. Ngày 11 tháng 9 năm 1971, đổi tên là nước “Cộng hòa Ả Rập Ai Cập”.

II. Quốc kỳ


Do ba hình chữ nhật bằng nhau màu đỏ, trắng, đen hợp thành. Chính giữa phần màu trắng có một con chim ưng trống màu vàng. Màu đỏ tượng trưng cho cách mạng, màu trắng tượng trưng cho sự thuần khiết và tiền đồ xán lạn, màu đen tượng trưng cho những tháng ngày đen tối trong quá khứ. Chim ưng trống màu vàng thể hiện lòng dũng cảm của nhân dân Ai Cập. Ai Cập là một quốc gia cổ văn minh có lịch sử lâu đời, quốc kỳ đã được thay đổi nhiều lần. Năm 1971, thành lập nước Cộng hòa Ả Rập Ai Cập. Bắt đầu từ năm 1972 dùng lá quốc kỳ như hiện nay.

III. Quốc huy


Được chế định vào năm 1972. Đồ án trung tâm là một con chim ưng trống màu vàng ngẩng đầu đứng thẳng, hai cánh dang ra. Người Ai Cập gọi đó là chim ưng trống Salah ah-Din, tượng trưng cho thắng lợi, lòng dũng cảm, sự trung thành. Phần ức chim có một tấm lá chắn ba màu đỏ, trắng, đen trùng với màu quốc kỳ. Dưới vuốt chim ưng có một tấm biển màu vàng, trên tấm biển có dòng chữ Ả Rập: “Nước Cộng hòa Ả Rập”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét