Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2009

Ca sĩ Michael Jackson qua đời


(BBC).Ngôi sao nhạc pop Michael Jackson vừa qua đời tại Los Angeles.

Năm nay ông 50 tuổi.

Trưa thứ Năm giờ địa phương nhân viên cứu thương được gọi tới nhà sau khi ông ngừng thở. Người ta nghi ông bị trụy tim.

Xe cấp cứu chở ông thật nhanh tới một trung tâm y tế trong vùng. Và tin nói rằng ông ra đi ngay sau đó.

Michael Jackson có nhiều tiền sử về bệnh tật. Ngôi sao nhạc pop đang có kế hoạch tái ngộ với khán giả, bắt đầu bằng buổi biểu diễn ra mắt tại Anh ngày 13 tháng Bảy.

Tháng trước một số người tỏ ý quan ngại khi bốn show lớn của Jackson loan báo tạm hoãn. Ban tổ chức nói rằng họ phải dời ngày diễn do tính phức tạp của một show diễn lớn với Jackson.

Một phát ngôn nhân cho The Outside Organisation, tổ chức quảng bá cho chuyến công diễn của Jackson tại Anh nói bà không thể đưa ra bình luận gì trong lúc này.

Uri Gellar, bạn thân của ngôi sao nhạc pop, cho BBC News hay: "Tôi vô cùng buồn. Đời sao thật buồn.”

"Tôi vẫn cho rằng chuyện ông ta ra đi chưa chắc đã là tin đúng. Thật không thể nào chấp nhận được khi ai đó báo tin Michael không còn trên thế gian này nữa.”

Người điều khiển chương trình âm nhạc trên radio, Paul Gambaccini nói thêm: "Tôi tin rằng các bài hát của ông sẽ được người đời nghe đi nghe lại trong nhiều thập kỷ tới.”

"Và hàng triệu người trên thế giới sẽ vô cùng thất vọng trước tin này. Đối với họ Michael Jackson là thần tượng.”

Bên ngoài Trung tâm Y tế UCLA ở Los Angeles mục sư Rev Al Sharpton, nhà hoạt động cho quyền con người, đã nói lời từ biệt đối với người bạn của ông:

"Tôi biết anh ta 35 năm nay. Anh ấy vẫn gọi tôi tới mỗi khi gặp vấn đề,”

"Tôi cảm tưởng như báo chí đã đối xử không công bằng với anh. Hy vọng qua năm tháng, suy nghĩ của người đời về Michael sẽ nhân hậu hơn.”

Cấp cứu

Các tin từ Mỹ nói rằng trưa thứ Năm nhân viên cứu cấp được gọi tới nhà của ca sĩ ở vùng Bel Air.

Họ thực hiện hồi thở nhân tạo cho ông và chở nhanh ông tới nhà thương.

Đám đông người hiếu kỳ bắt đầu tụ tập bên ngoài bệnh viên của trường đại học UCLA. Cảnh sát dùng dây thừng làm dải phân cách không cho người xem đến quá gần.

Jackson bắt đầu sự nghiệp ca hát của ông từ ban nhạc của gia đình có tên The Jackson 5.

Sau đó ông trở nên nổi tiếng và chinh phục thế giới với bài hát được nhiều người ưa thích như Billie Jean và Bad.

Bài Thriller, trình diễn năm 1982, trở thành cuốn CD bán chạy nhất thế giới trong mọi thời đại.

Cả thảy 65 triệu bản đã được mua, theo Trung tâm các Kỷ lục thế giới Guinness, Guinness Book of World Records.

Thứ Tư, 24 tháng 6, 2009

Chúc mưng nhân ngày sinh nhât Thánh Gioan Baotixita


Hôm nay ngày 24 tháng 6 toàn thê Giáo hôi Công giáo toàn câu hân hoan mưng kính trọng thê sinh nhât thánh Gioan Tây giả. Boyvut@ xin chúc tât cả mọi ngươì đã nhân thánh Gioan Tây giả làm quan thây của mình. Câù chúc qua lơi câu bâu của thánh Gioan, mọi ngươì chúng ta sẽ biêt noi gương Thánh nhân làm chưng cho chúa Ki tô trươc mọi ngươì, luon sông thánh thiên và đẹp lòng Chúa.
Gioan Baotixita Hoàng Mạnh Dũng.

Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2009

Khi luật sư kiện Thủ tướng vì bauxite

(BBC).Luật sư Cù Huy Hà Vũ từ Hà Nội nộp đơn khởi kiện thủ tướng chính phủ nước CHXHCN Việt Nam vì "ban hành trái pháp luật" quyết định cho khai thác bauxite ở Tây Nguyên.

Trả lời đài BBC về cơ sở để một công dân kiện thủ tướng, ông Cù Huy Hà Vũ nói:

"Hiến pháp khẳng định tất cả công dân đều bình đẳng trước pháp luật, trong trường hợp này ông Nguyễn Tấn Dũng không phải là cái gì to lớn và tôi cũng không phải là nhỏ bé, hai người bình đẳng với nhau, ai làm trái luật người đó phải chịu trách nhiệm."

Ông Cù Huy Hà Vũ nói thêm ông kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì ông Dũng là người ký ban hành quyết định số 167/2007/QĐ -TTg ngày 01/11/2007 "phê duyệt quy hoạch, phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007-2015."

"Chỉ sau khi báo cáo về môi trường được công bố và thẩm định xong thì thủ tướng mới có thể phê duyệt cái quy hoạch đó."

Theo ông Cù Huy Hà Vũ, luật Việt Nam quy định nếu quy hoạch không có báo cáo chiến lược, không ai có thể phê duyệt được dự án.

"Vậy mà ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bất chấp pháp luật cứ phê duyệt một cái quy hoạch không có báo cáo đánh giá tác động môi trường."

Ông Vũ nói thêm quyết định của thủ tướng trái với luật quốc phòng, luật bảo vệ di sản văn hóa. Và nó đi ngược với luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chủ trương lớn

Lãnh đạo Việt Nam nhiều lần nói rằng ‘khai thác bauxite là chủ trương lớn của Đảng' vậy có gì sai khi thủ tướng quốc gia ký thông qua quyết định của đảng cầm quyền?

Theo ông Cù Huy Hà Vũ, ngay cả như vậy người ký vẫn phải chịu trách nhiệm cá nhân.

"Ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn phải chịu trách nhiệm chính về hành động của mình. Có thể ông ta không đủ năng lực nhưng được đưa ra trong quy trình nhiều bàn cãi để thực hiện ý kiến người khác, do vậy ông Nguyễn Tấn Dũng không thể trách những người phê bình ông ta được."

"Ông ta phải có bản lĩnh, nên vì quyền lợi của dân tộc, của đất nước, lợi ích của nhân dân mà hành động."

Tuy nhiên, một chuyên gia về luật tổ chức nhà nước và công pháp quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh cho rằng đơn kiện thủ tướng của tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ rất khó được thụ lý. Vì nó nhắm không đúng chỗ.

Chuyên gia này nói nếu ai đó không hài lòng với cách thực hiện dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, người này chỉ có thể kiện chính phủ chứ không thể kiện thủ tướng.

Theo chuyên gia luật, người phát biểu ẩn danh, ông thủ tướng không có trách nhiệm cá nhân trong vụ này.

"Trách nhiệm là từ phía chính phủ, và thủ tướng chỉ là người đại diện đứng ra thực hiện các chính sách của chính phủ."

Câu chuyện ông Cù Huy Hà Vũ gửi đơn kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã được báo chí tiếng Anh bên ngoài Việt Nam đăng tải.

DPA 12/06/09 đưa tin này và nói vụ khai thác bauxite này là dự án "gây tranh cãi" tại Việt Nam.

Bản tin này cũng nói các đại biểu Quốc hội Việt Nam yêu cầu dự án trên 20 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,2 tỷ đô la cần phải được cơ quan lập pháp này thông qua.

"Tôi thấy quyết định này trái ít nhất là bốn luật. Đầu tiên là luật bảo vệ môi trường,"

"Đối với quy hoạch phê duyệt, quy hoạch đó phải có báo cáo đánh giá môi trường chiến lược,"

"Tức là khi quy hoạch vùng miền hoặc phát triển kinh tế xã hội tại cấp tỉnh thành phố thì đều phải có báo cáo đánh giá môi trường chiến lược,"

VN cần nâng cấp không quân

(BBC).Vụ máy bay Su-22 của không quân Việt Nam rơi tại Cẩm Thủy, Thanh Hóa bỗng thu hút sự chú ý đến trang bị kỹ thuật của lực lượng này trong bối cảnh căng thẳng khu vực có chiều hướng tăng lên chứ không giảm đi.

Quân đội Nhân dân Việt Nam bước ra khỏi cuộc chiến chấm dứt năm 1975 với một số lượng khá tốt vũ khí và trang thiết bị thu được sau chiến thắng, gồm cả vũ khí của Mỹ.

Nhiều năm sau đó, chính quyền cộng sản bị cấm vận bởi Hoa Kỳ và Phương Tây nhưng lại trở thành đồng minh của Liên Xô nên các loại vũ khí của khối Hiệp ước Varsava vẫn vào Việt Nam.

Tất nhiên, Liên Xô bán hay viện trợ cho không quân Việt Nam có điều kiện và Hà Nội chưa bao giờ có mạ́y bay ném bom chiến lược như Tupolev mà chỉ nhận được phi cơ tiêm kích.

Theo nhiều bình luận, cuộc chiến Biên giới 1979 cho thấy hỏa lực của quân đội Việt Nam, tất nhiên với sự hỗ trợ của Liên Xô, có phần ưu thế hơn của Trung Quốc, một trong các yếu tố thúc đẩy Bắc Kinh phải hiện đại hóa quân đội.

Nhưng từ khi khối Varsava sụp đổ, kho vũ khí của Việt Nam, nhất là máy bay và tàu chiến nhanh chóng trở nên cũ kỹ, không bắt kịp công nghệ quốc phòng và quân sự hiện đại.

Riêng về không quân, cho tới đầu năm nay, Việt Nam mới có 12 chiếc Su-30, và 36 chiếc Su-27 trong các binh đoàn phi cơ chiến đấu.

Đa số máy bay còn lại là MiG-21 và Su-22 chuyên dùng trong các trận đất đối không. Trong 400 chiếc này thì MiG-21 thuộc thế hệ ra đời từ thập niên 196, nên đã quá cũ.

Ngay cả hạng phi cơ Su-22 như chiếc bị rơi tại Thanh Hóa tuần này cũng cần nâng cấp gấp rút. Thậm chí Su-27 cũng là hạng sản xuất trước khi Liên Xô sụp đổ từ 1984 đến 1991.

Trong khi đó, căng thẳng ngoài Biển Đông đặt ra câu hỏi về nhu cầu tăng cường quốc phòng, cho cả hải quân và không quân Việt Nam.

Nhu cầu nâng cấp

Trong chiến tranh hiện đại, kể từ Thế chiến 2, quan niệm về hải chiến luôn bao gồm cả khả năng dùng phi cơ hỗ trợ hải quân chứ không chỉ là công việc của các tàu thuyền.

Quân đội Việt Nam hiểu được nhu cầu đó và theo các tạp chí theo dõi quân sự thì tháng 5 năm nay, Việt Nam đã mua thêm 12 chiếc Su-30MK2 với giá 42 triệu đô la một chiếc.

Tin tức sau nói con số này giảm xuống còn tám chiếc với loạt đầu tiên sẽ được giao cho Việt Nam vào quý 4 năm 2010.

Theo Interfax AVN ước tính tám chiến đấu cơ Việt Nam vừa mua có tổng trị giá 400 triệu đôla sau hợp đồng loan báo tháng 4 trị giá 1,8 tỷ đô la để mua sáu tàu ngầm hạng Kilo của Nga.

Tạp chí Jane's Defence trích lời giới chuyên gia nói Việt Nam sẽ không trả Nga bằng tiền mặt mà bằng dầu.

Su-30 là thế hệ máy bay được tập đoàn Sukhoi nâng cấp và phát triển từ thập niên 1990, với nhiều phiên bản cho các khách hàng khác nhau.

Không quân Ấn Độ hiện đang dùng loại Su-MK1.

Còn loại MK2 thường được bán cho các nước ven biển như Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia và Venezuela, vì có thêm hệ thống hỏa tiễn chống tàu chiến và thiết bị điện tử.

Còn về số Su-30 Việt Nam đang có, giới chuyên gia coi đây là chiến đấu cơ phản lực tốt nhất mà Liên Xô thiết kế lúc kết thúc Chiến tranh Lạnh và so sánh nó với U.S. F-15 của Mỹ, nhưng giá chỉ bằng một phần ba.

Việt Nam được nói cũng đang nâng cấp, nhờ sự hỗ trợ của Nga, để biến các phi cơ Su-27 của mình thành hạng Su-30, nặng 30 tấn, nhưng có công nghệ thấp hơn Su-30MK2.

Dù tướng Phùng Quang Thanh của Việt Nam phát biểu gần tại tại hội nghị ở Singapore rằng tăng cường quốc phòng của Việt Nam không nhắm vào một bên thứ ba nào, điều cần thiết là nhìn nhận cán rõ cân hải quân và không quân giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Thiếu cân xứng

Theo tạp chí Jane's Defence, ngay từ 2006/2007, Trung Quốc đã phát triển thế hệ chiến đấu cơ đa chức năng F-10 song song hệ thống tên lửa đạn đạo chống vệ tinh.

Việc xây căn cứ tàu ngầm nguyên tử tại Hải Nam, được tiết lộ một hai năm nay và dự án chuẩn bị cho hạ thủy hàng không mẫu hạm cũng đang thu hút sự chú ý của giới quan sát.

Trong bối cảnh Việt Nam cũng mua tàu ngầm nhưng khó có thể đọ lại Trung Quốc về số lượng và tầm hoạt động thì mua hoặc nâng cấp phi cơ để hỗ trợ hải quân là giải pháp khả thi hơn cả.

Phi cơ vừa không đắt bằng tàu chiến, vừa tăng khả năng phòng thủ và cả công kích trên biển nếu cần.

Nhưng trong trận không chiến hoặc hải chiến nếu xảy ra, Việt Nam sẽ phải đương đầu với chính Su-30 do Trung Quốc sản xuất dựa trên cơ sở giấy phép kỹ thuật Nga.

Điều đáng chú ý là các hạng Su-30 trên thế giới chưa bao giờ được thử lửa trong các trận không chiến thật mà mới chỉ được dùng cho huấn luyện.

Báo chí thế giới cũng nhắc hồi tháng 6/1999, một Su-30 của Nga bị tai nạn ngay tại buổi trình diễn không quân gần Paris, Pháp, nhưng cả hai phi công Viatcheslav Averyanov và Vladimir Chendrik may mắn thoát chết.

Bởi vậy, dù có Su-30 loại gì thì quốc phòng của Việt Nam cũng lại cần nâng cấp nữa vì Nga đã tuyên bố bán ra thế hệ Su-35, hiện đại hơn cả.

''Cuộc chạy đua vũ trang'' xem ra không bao giờ chấm dứt.

Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2009

Cô giáo bị đuổi việc vì 'xuyên tạc đường lối'

(BBC).Một nữ thạc sỹ, giảng viên môn văn vừa bị Sở Giáo dục tỉnh Quảng Nam quyết định cho thôi việc vì vi phạm kỷ luật.

Báo Dân Trí trích quyết định của Sở Giáo dục nói rõ cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh, 28 tuổi, bị buộc thôi việc vì "đã vi phạm nghiêm trọng trong việc xuyên tạc đạo đức nhà giáo; sử dụng bục giảng làm nơi tuyên truyền những nội dung trái với quan điểm của chính sách Nhà nước; xuyên tạc đường lối của Đảng, chủ trương pháp luật của Nhà nước, vi phạm quan điểm nội dung giáo dục trong việc cập nhập khai thác, truyền bá trang web phản động, phản giáo dục".

Cô giáo Hạnh trước khi bị cho thôi việc đã được nhận vào giảng dạy tại trường Trung học Phổ thông chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm theo diện 'thu hút nhân tài' của tỉnh Quảng Nam.

Nói chuyện với BBC từ Quảng Nam, nơi cô đang hoàn tất thủ tục chế độ, cô Bích Hạnh cho biết trong một số tiết dạy hồi năm ngoái, cô đã đề cập với các em học sinh một số bài viết trên các trang mạng hải ngoại như talawas và tienve.org với mục tiêu 'hướng dẫn các em biết cách tự học, tự đọc, tự tìm tòi phân tích thông tin'.

Tuy nhiên sau đó, theo phản ánh của học sinh, cô Hạnh đã bị điều tra làm rõ về việc "tuyên truyền tư tưởng phản động".

"Lúc chuyện xảy ra, tôi đang làm chủ nhiệm lớp 10 toán, và bị quyết định thôi không chủ nhiệm nữa. Thế nhưng, tôi vẫn được giảng dạy bình thường, cho tới gần đây khi Sở có quyết định cho thôi việc."

'Chưa có dự định'

Chính thức từ 01/06, thạc sỹ Nguyễn Thị Bích Hạnh đã phải ngừng việc giảng dạy.

Cô Hạnh cho biết sau khi hoàn thành thủ tục chế độ, cô sẽ về quê ở Nghệ An nhưng "chưa có dự định gì rõ ràng".

Cô nhận định: "Việc dạy học của tôi trong tương lai có lẽ sẽ khó khăn với hồ sơ như thế".

Được biết, cô Bích Hạnh là người Công giáo, đã tham gia giảng giáo lý tại Nhà thờ Tam Kỳ hai năm nay và từng hiệp thông với Nhà thờ Thái Hà ở Hà Nội trong các vụ việc gây tranh cãi hồi năm ngoái.

"Người ta cho rằng tôi là người Công giáo, lý lịch lại không tốt vì bố tôi đã phải đi cải tạo 20 năm cho nên tôi có 'tư tưởng khác'".

Tuy nhiên theo cô Hạnh, điều này không được ghi trong các văn bản hồ sơ chính thức của ngành giáo dục.

Khi được hỏi liệu việc giới thiệu các website hải ngoại không được lưu hành trong nước tới học sinh có phải là vi phạm quy định hay không, cô Bích Hạnh trả lời: "Tôi không nghĩ như thế, vì nhiều giáo sư nổi tiếng của Việt Nam đều đã viết bài đăng trên các website đó".

"Cho dù các trang web đó chưa được chính thức ở Việt Nam nhưng học trò bây giờ, dù chính thức hay không, các em vẫn đọc và đọc rất nhiều."

"Đó là mong muốn và nguyện vọng chính đáng của các em."

Ba Lan kỷ niệm Cách mạng Dân chủ

Cách đây 20 năm, theo thoả thuận của "Hội nghị Bàn Tròn" giữa phe đối lập dân chủ và phe cộng sản cầm quyền, trong ngày 4/06/1989, một cuộc bầu cử tự do có giới hạn đã được tiến hành.

Dù chỉ được phép bầu 35% số ghế của quốc hội và tất cả 100 số ghế của Thượng viện, phe Công đoàn Đoàn kết đã thắng lớn.

Thỏa ước hai phe đã hình thành Quốc hội chuyển tiếp với Thủ tướng không cộng sản đầu tiên, ông Tadeusz Mazowiecki, tạo tiền đề cho các cuộc tổng tuyển cử tự do bầu tổng thống năm 1990, quốc hội 1991, đưa Ba Lan hoàn thành tiến trình xóa bỏ chế độ cộng sản và bắt đầu xây dựng thể chế dân chủ tự do.

Nói tới điểm mốc 4/06, không thể không nói tới một sự kiện có tầm ảnh hưởng bao trùm lên toàn xã hội và phong trào tranh đấu của dân tộc Ba Lan 10 năm trước đó.

Đấy là chuyến hành hương lịch sử về quê nhà của Giáo Hoàng John Paul II từ ngày 2 đến 10/06/1979.

Sự kiện 1979 tạo đà cho "Công đoàn Đoàn Kết", một liên minh đa giai cấp ra đời vào tháng 8/1980 với 10 triệu thành viên trong mọi giới, mà sau này có cả cảnh sát.

Từ đó dưới sự lãnh đạo của "Công đoàn Đoàn Kết" phong trào tranh đấu của nhân dân Ba Lan chuyển sang bước ngoặt mới, cương quyết, gan lỳ hơn, sẵn sàng hy sinh hơn và dứt điểm bằng "Hội nghị Bàn tròn" năm 1989.

Năm nay từ ngày 2 đến 10/06/2009, tại Ba Lan diễn ra nhiều hình thức phong phú kỷ niệm 20 năm chế độ cộng sản sụp đổ, cùng với kỷ niệm 30 năm ngày Giáo Hoàng John Paul thăm Tổ quốc.

Đài truyền hình CNN với chương trình "The New Poland" sẽ truyền hình trực tiếp các buổi lễ hội tới hàng chục triệu khán giả trên toàn thế giới.

Một cuộc hội nghị quốc tế mang tên "Giáo hoàng của Tự do" được tổ chức tại Quốc hội Ba Lan với sự tham gia của nhiều nhà sử học, xã hội học của Ba Lan và nước ngoài.

Đây là dịp tốt để nhắc lại vai trò của niềm tin trong đấu tranh chính trị, ít ra là từ kinh nghiệm Ba Lan.

Hành hương vì niềm tin

Ngày 16/10/1978, Hồng y Karol Wojtyla của Krakow, Ba Lan, được bầu lên ngôi làm Giáo Hoàng John Paul II.

Sự kiện này đã thúc đẩy bánh xe lịch sử của Ba Lan và thế giới chạy nhanh hơn. Ngay lập tức nó đã trở thành hồi chuông báo động đối với Moscow.

Với những khuyến cáo từ Moscow, chính quyền cộng sản Ba Lan tìm cách trì hoãn, nhưng không thể không đồng ý với chuyến thăm của Giáo Hoàng. Cuối cùng, hai bên thoả hiệp thời gian từ ngày 2 đến 10/06/1979.

10 giờ sáng ngày 2/06/1979, tới thủ đô Warsaw, vừa bước xuống cầu thang máy bay, Giáo Hoàng quỳ xuống hôn lên nền bê-tông sân bay và nói: "Tôi hôn lên mảnh đất nơi tôi trưởng thành".

6 giờ sau, trên quảng trường Chiến Thắng, trước hàng trăm ngàn người tới dự bấp chấp nỗi sợ hãi với chính quyền cộng sản, Giáo Hoàng đã nói những câu bất hủ:

"Chúng ta đứng đây, bên cạnh Mộ Liệt Sĩ Vô Danh. Người lính này đã có mặt bao nhiêu nơi trên Tổ quốc mình? Trên bao nhiêu nơi của châu Âu và thế giới người lính này đã ngã xuống để nói rằng, không có Ba Lan độc lập trên bản đồ, châu Âu sẽ không có công lý? Trên bao nhiêu mặt trận, người lính đã chiến đấu và chết "vì tự do của chúng tôi và của các bạn", để bảo vệ quyền của con người được khắc sâu vào quyền bất khả xâm phạm của dân tộc? Những nấm mồ đó ở đâu, hỡi Ba Lan! nơi nào không có nó! Các con biết rõ nhất - và Thượng Đế trên trời".

Kết thúc buổi lễ, Giáo Hoàng nói rất chậm:

"Hãy để Chúa Thánh Thần hiện ra! Và làm mới lại diện mạo của đất. Mảnh đất này!"

Sau hai ngày ở thủ đô, Giáo Hoàng đi thăm nhiều nơi khác của Ba Lan. Ngài đi bằng xe mui trần không có màn chắn bảo vệ và thường xuyên xuống xe hoà vào dân chúng.

Hàng triệu người từ khắp Ba Lan đổ về các điểm có các lễ chào mừng, các buổi cầu nguyện. Hàng chục triệu người khác ngồi trước màn hình nhỏ theo dõi chuyến hành hương mang ý nghĩa vô tiền, khoáng hậu này.

Vừa dân tộc vừa quốc tế.

Chuyến thăm viếng tháng 06/1979 hoàn toàn nằm trong chính sách có ý thức của người đứng đầu nhà nước Vatican.

Khi hỏi ai là người lật đổ chế độ cộng sản, trong cuộc trả lời phỏng vấn nhật báo Ba Lan hôm 13/02/2009, lãnh tụ cộng sản cuối cùng của Ba Lan, tướng Wojciech Jaruzelski nhắc lại lời thủ lĩnh "Công đoàn Đoàn Kết" Lech Walesa: 50% công lao thuộc về Giáo Hoàng, 30% thuộc về "Công đoàn Đoàn Kết", 20% là các yếu tố khác.

Trong 20% yếu tố khác, ông nói đến vai trò của tổng thống Mỹ Reagan, của Chủ tịch Gorbachev, của cả những người cộng sản Ba Lan sáng suốt, biết nhìn nhận thực tế và vì dân tộc v.v...

Trong một đất nước hơn 90% dân chúng theo Công giáo và có nhiều nơi nhà thờ nhiều hơn trường học, sự có mặt của Giáo Hoàng đã làm thay đổi suy nghĩ của toàn xã hội.

Suốt mấy chục năm bị giam hãm trong hệ tư tưởng cộng sản và lệ thuộc Liên Xô, chuyến thăm của Giáo Hoàng đã thổi luồng sinh khí mới tới người Ba Lan. Họ lĩnh hội những lời động viên và răn dạy chưa bao giờ được nghe thấy. Họ nhận ra rằng, một bộ phận nhỏ đang cai quản đất nước không hiệu quả, không được sự ủng hộ và ở Ba Lan tồn tại một hệ thống giá trị độc lập và sức mạnh độc lập với nhà cầm quyền cộng sản.

Sức mạnh ấy đúc kết từ sự tin tưởng vào người đồng hương, người cha, người anh, người dẫn dắt thay mặt Chúa. Họ bắt đầu thấy chỗ dựa tinh thần to lớn.

Lòng tin, hy vọng, tình yêu, cộng với đức tin tôn giáo đã cho dân tộc Ba Lan sức mạnh và sự đoàn kết. Họ đã hành động theo lời kêu gọi của Giáo Hoàng: "Các con đừng sợ hãi!", "Các con hãy cứng rắn lên bằng sức mạnh của đức tin!".

Theo các bình luận sau này, lời khuyên 'Đừng sợ' cũng có tác dụng lớn đối với chính phe cộng sản, cho họ niềm tin rằng thay đổi trong hòa bình không phải là điều gì đáng sợ.

Theo cơ quan thăm dò xã hội Ba Lan COBS ngày 2/6/2009, 78% người Ba Lan cho rằng, chuyến thăm đầu tiên của Giáo Hoàng tạo nên biến cố ra đời "Công đoàn Đoàn Kết", đưa đến sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản, 70% xác nhận Giáo Hoàng đã làm chuyển đổi đời sống riêng của mình và cũng 70% biết rõ những điều dạy dỗ của Ngài.

Lúc còn sống Stalin đã từng hỏi "Giáo Hoàng có được bao nhiêu sư đoàn?" khi thách thức sức mạnh của niềm tin Công giáo.

Cuộc viếng thăm Ba Lan của Giáo Hoàng John Paul II năm 1979 đã trả lời câu hỏi đó.

"Đội quân" của Giáo Hoàng John Paul II, gồm tất cả những người Ba Lan ở mọi xu hướng chính trị, đã đánh bại chế độ độc tài toàn trị và góp phần quan trọng vào sự sụp đổ toàn bộ hệ thống cộng sản trên thế giới.





Thứ Ba, 2 tháng 6, 2009

Nỗi lo sợ mới về cuộc xâm lược của Trung Quốc ở Việt Nam

Martha Ann Overland / Hà Nội.
Ba mươi năm trước, bộ đội Việt Nam bước vào trận chiến khốc liệt cuối cùng trên vùng đồi núi Lạng Sơn gần biên giới phía Bắc để chống lại kẻ thù. Cả hai bên đều phải chịu nhiều tổn thất kinh hoàng, nhưng cuối cùng Việt Nam tuyên bố chiến thắng. Nhiều thập niên sau, các mối quan hệ ngoại giao được tái lập và hai quốc gia gọi nhau là bạn hữu, ít nhất là trước công chúng. Kẻ thù cũ của Việt Nam nay là nhà đầu tư chính ở đất nước này, quan hệ thương mại song phương đang phát triển đến mức độ cao nhất từ trước tới nay, và khách du lịch, chứ không phải quân đội, đang tràn vào.

Không, không phải là người Mỹ tràn vào. Mà là người Trung Quốc. Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam như là một phần trong chiến lược hung hãn mở rộng ảnh hưởng thương mại cũng như chính trị ở Ðông Nam Á. Các công ty Trung Quốc hiện đang tham gia rất nhiều dự án xây dựng đường sá, khai thác mỏ và nhà máy năng lượng. Tuy nhiên, mặc dù giới lãnh đạo Việt Nam rất ủng hộ quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia cộng sản chủ nghĩa này, nhưng cuộc xâm lăng thân thiện này không được êm thấm lắm đối với một dân tộc đã từng đánh trả Trung Quốc xâm lược suốt hơn một nghìn năm, gần đây nhất là năm 1979. Nhiều người Việt Nam lo ngại rằng người ta đã trao cho Trung Quốc không chỉ chiếc chìa khoá dẫn đến những nguồn tài nguyên thiên nhiên trên đất nước họ mà đến cả những khu vực chiến lược nhạy cảm, đe dọa đến an ninh quốc gia. Ông Nguyễn Văn Thụ, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cảnh báo: “Rất nguy hiểm là Trung Quốc đã trúng thầu hầu hết các gói thầu xây dựng các nhà máy năng lượng, xi măng và hoá chất. Họ ngốn hết sạch chẳng để lại gì”.

Ông Thụ bày tỏ sự nghi ngờ rằng một số công ty Trung Quốc đã trúng thầu các hợp đồng xây dựng bằng cách đưa ra giá thầu thấp, và như thế nghĩa là họ rất có thể sẽ cắt xén này nọ, và điều này rõ ràng sẽ đe dọa đến chất lượng và độ an toàn của các công trình. Nhưng nỗi lo âu lớn nhất của ông Thụ chính là sự đổ tràn vào Việt Nam của một số lớn lao động Trung Quốc, trong đó có cả đầu bếp và lao công, giành mất công ăn việc làm của người Việt Nam và đe dọa sự ổn định xã hội của đất nước. Ông Thụ khẳng định: “Cái gì các nhà thầu Trung Quốc cũng mang sang cả, đến cả cái bồn cầu cũng mang! Những thứ đó thì Việt Nam có thể sản xuất được, và những công việc đó người Việt Nam có thể làm được”.

Gáo nước lạnh gần đây nhất dành cho nhiệt tình chống Trung Quốc là kế hoạch của Hà Nội cho phép các công ty con của Tổng công ty Nhôm Trung Quốc (Chinalco) được khai thác quặng bauxite ở vùng Tây Nguyên Việt Nam. Bauxite là nguyên liệu chủ yếu để chế tạo nhôm, mà Trung Quốc thì đang rất cần nhôm cho ngành công nghiệp xây dựng. Việt Nam có nguồn bauxite chất lượng cao, ước tính khoảng 8 tỷ tấn, với trữ lượng cao thứ ba trên thế giới. Tuy nhiên, khi khai thác nguồn khoáng sản này thì cái giá phải trả về mặt môi trường có thể sẽ rất cao. Khai thác theo kiểu mỏ lộ thiên thì hiệu quả thật, nhưng đất đai sẽ bị cày nát và quá trình xử lý bauxite sẽ thải ra một chất cặn đỏ rất độc, có thể rỉ thấm vào trong nguồn nước nếu không được ngăn chặn đúng cách. Một số nhà khoa học kỳ cựu và phong trào bảo vệ môi trường mới phát triển ở Việt Nam đang đặt nghi vấn rằng chính quyền nghĩ thế nào mà lại trao quyền khai thác mỏ cho Trung Quốc, trong khi chính các khu mỏ của họ đang phải đóng cửa vì những tổn hại to lớn gây ra cho môi trường sống.

Nhưng sự phản đối thật sự không chỉ nằm ở vấn đề bảo vệ môi trường, mà hơn hết, là ở sự e sợ của Việt Nam đối với vị láng giềng ở biên giới phía bắc. Các nhóm quốc gia chủ nghĩa lên án Hà Nội vì đã nhượng bộ trước áp lực của một Trung Quốc đang thèm khát nguyên liệu, và đã cho phép triển khai dự án khai thác mỏ này. Giới blogger đang gây ra một làn sóng lo âu lớn, khi cho rằng lao động Trung Quốc đổ vào Việt Nam có thể là một phần trong chiến lược lâu dài của Bắc Kinh nhằm xâm chiếm đất nước họ. Các tổ chức ủng hộ dân chủ bị cấm hoạt động ở Việt Nam, vui mừng khi có bất cứ dịp nào chỉ trích chính phủ độc tài, gọi dự án khai thác mỏ liều lĩnh này là một “kế hoạch bệnh hoạn”. Đầu tháng này, một nhà sư bất đồng chính kiến, Hoà thượng Thích Quảng Độ, nói rằng việc khai thác lộ thiên sẽ phá hoại nếp sống của các dân tộc thiểu số trong vùng. Ông cũng nói thêm rằng dự án trên “cho thấy sự lệ thuộc của Việt Nam vào Trung Quốc”. Không có sự phản đối kịch liệt như vậy đối với kế hoạch của Alcoa, công ty nhôm khổng lồ của Mỹ, nhằm khai thác hai khu vực ở tỉnh Đak Nông thuộc Tây Nguyên.

Nhưng có lẽ bất ngờ nhất là sự phê phán của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, một nhà lãnh đạo quân sự Việt Nam rất được kính trọng, người có công lớn trong chiến thắng của Việt Nam trước người Pháp và sau đó là người Mỹ. Trong một lá thư gửi cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vị anh hùng chiến trận 97 tuổi này nêu lên mối quan ngại về sự hiện diện của đông đảo người Trung Quốc ở Tây Nguyên, nơi vốn là cửa ngõ chiến lược của Việt Nam, mà nhiều cuộc chiến đã phân định thắng bại ở chính nơi này.

Những quốc gia khác trong vùng đã gặp nhiều phiền hà vì cơn khát tài nguyên của Trung Quốc. Tháng trước, chính phủ Australia đã từ chối gói thầu 1,8 tỷ đô-la của công ty khai thác mỏ Minmetals của Trung Quốc để mua lại công ty OZ Minerals (công ty khai thác quặng kẽm lớn thứ hai thế giới, hiện đang nợ ngập đầu), chính vì lo ngại về an ninh quốc gia. Công ty OZ Minerals có một số hoạt động gần khu thử nghiệm vũ khí Woomera của Australia.

Chính quyền Hà Nội nói rằng họ đang lắng nghe những mối lo ngại này nhưng dường như không hề có động thái gì. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới đây đã tuyên bố việc khai thác bauxite là “chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước”. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tái xác nhận sự ủng hộ của chính phủ, và nhiều quan chức các tỉnh thành địa phương có mặt tại một hội nghị khai khoáng vừa qua nhằm bảo vệ dự án này, lập luận rằng: mặc dù công nhân Trung Quốc có mặt nhưng việc khai thác mỏ này sẽ rất có ích cho các sắc tộc thiểu số nghèo khổ trong khu vực.

Việt Nam sẽ phải chịu một áp lực rất lớn để phải tiếp tục triển khai việc khai thác bauxite như đã định, đó là nhận định của ông Carl A. Thayer, chuyên gia về Việt Nam giảng dạy tại Học viện Quốc phòng Australia ở Đại học New South Wales. Muốn tồn tại được thì Việt Nam cần quan hệ thông thương với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới. Ông Thayer cho biết rằng không có công ty nào ở Trung Quốc hoạt động độc lập với nhà nước. Ông nói: “Nếu các bạn nhìn xa hơn sẽ thấy có những mối dây liên hệ về quân sự hay an ninh. Nhưng còn Trung Quốc chiếm đóng à? Tôi cho là không đâu”.

Thayer cũng quan sát thấy rằng nhiều vấn đề là do Việt Nam tự gây ra cho mình. Đất nước này càng ngày càng trở nên lệ thuộc vào các nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài để chống đỡ cho nền kinh tế của mình. Năm ngoái các nhà đầu tư đã đổ vào Việt Nam một khoản kỷ lục 11,5 tỷ đô la. Cũng trong năm ngoái Trung Quốc có 73 dự án đầu tư trị giá 334 triệu đô la ở quốc gia này. Nhưng cùng với tình trạng suy thoái toàn cầu, đầu tư trực tiếp nước ngoài tuột dốc đến 73% trong quý đầu tiên của năm 2009 so với cùng kỳ năm ngoái.

Hà Nội đã và đang kêu gọi gia tăng đầu tư, và ngày càng khẩn thiết chờ đợi tiền bạc từ ngoài đổ vào, khi nền kinh tế của họ hiện nay đã chững hẳn lại. Việt Nam còn phải chịu một mức thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc. Khi ngày càng nhiều công ty Trung Quốc mạo hiểm vượt qua biên giới bước vào Việt Nam, và đổ hàng triệu đô-la vào các dự án đầu tư mới, thì Hà Nội không thể áp đặt tất cả các điều khoản được nữa. Họ cũng không thể khóa chốt mối quan hệ này được. Ông Carl Thayer nhận định: “Người Việt Nam muốn gì thì cũng phải cẩn thận xem xét hậu quả của nó”.

NL dịch

Tầm vóc Võ Văn Kiệt

(BBC).Ngày 11/06 tới là tròn một năm ngày cựu Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt qua đời. Tuy nhiên theo phong tục Việt Nam, Chủ nhật mùng 08/05 Âm lịch là giỗ đầu của ông.


Mới đấy mà đã đến ngày Giỗ đầu cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Dòng chảy của thời gian với những đợt sóng dồn dập các sự kiện, càng khơi rộng ra khoảng trống vắng từ sự ra đi đột ngột của Ông.

"Giá mà lúc này có ông Sáu Dân", câu nói thể hiện một bức xúc trong tâm trạng xã hội, càng làm nổi rõ lên tầm vóc một con người.

Bình sinh, ý tưởng và hành động của ông gây được ấn tượng mạnh cho những ai đang ưu tư về vận nước, cho những trái tim biết rung động, cho những đầu óc dám vượt qua những trói buộc của định kiến, không chịu nô lệ vào những giáo điều ẩm mốc, những mục tiêu vụ lợi tầm thường, để hướng suy nghĩ vào những tìm tòi, những tháo gỡ.

Nhưng quả thật, đến khi ông nằm xuống, cuộc đời mới dần phát hiện ở nhân cách lớn này phẩm chất thật nổi bật mà trước đây chưa thấy kỹ , chưa cảm được sâu.

Trong buổi tưởng niệm ông Sáu Dân trước Giỗ đầu một ngày, nhà văn Nguyên Ngọc đưa ra một câu hỏi : "Vì sao mà con người ấy, rất gần gũi, hết sức bình dị như ta đã biết, xuất thân có thể nói từ gần nơi tận cùng của xã hội, lại đồng thời là một người có tâm, có dũng và có trí đặc sắc cao vời đến vậy".

Để giải mã được "hiện tượng Võ Văn Kiệt", đòi hỏi thời gian, tâm huyết và trí tuệ.

Không phải nhằm tụng ca một cá nhân, nếu thế thì vô bổ! Mà là để lần tìm ra quy luật hình thành một tính cách, một bản lĩnh.

Để làm gì?

Để tin rằng, khi nhu cầu của cuộc sống chín muồi, tất yếu xuất hiện được nhân vật đáp ứng nhu cầu ấy.

Để tin rằng, nền văn hiến dân tộc hun đúc từ khí thiêng đất nước mà ông cha ta bằng mồ hôi và máu đã tạo dựng và gìn giữ, ngọn nguồn sức sống bất tận của khối quần chúng nhân dân bình thường và vĩ đại, sẽ sản sinh ra con người như vậy.

Đương nhiên, phải kiên nhẫn diệt sâu cắn lá phá mầm, vừa biết vun gốc và làm mát rễ. Như vậy là phải có thời gian.

Thời gian là ân huệ trong sự nghiệt ngã.

"Hiện tượng Võ Văn Kiệt"

Còn ngay bây giờ, nếu chỉ cần một từ thôi để nói về Ông, thì đó là "DÂN".

Yếu tố DÂN là chìa khóa để giải mã "hiện tượng Võ Văn Kiệt". Vì, nói đến dân tộc, trước hết và sau cùng là phải nói đến "dân". Nói đến sức mạnh đại đoàn kết dân tộc là nói đến mở rộng dân chủ và tự do, nói đến sự gắn bó, thông cảm, tin tưởng và khoan dung giữa những "người trong một nước phải thương nhau cùng" trong tự tình dân tộc vốn trầm tích trong tâm hồn Việt Nam, truyền thống Việt Nam.

Cũng vì vậy, phải đau đớn mà nhìn nhận rằng, truyền thống tốt đẹp đó từng bị rạn nứt, thậm chí có lúc bị băng hoại trong môi trường chiến tranh kéo dài.

Khi ngôn ngữ của gươm giáo, súng đạn tạo nên chất men say, có khi là vô thức ở những người sử dụng nó, sẽ có sức tàn phá vượt khỏi mọi dự kiến, mọi mong muốn.


Nguy hiểm nhất là các thế lực ngoại bang đều biết khai thác, tận dụng một bộ phận những đám đông, vì nhiều lý do, đã trở thành lực lượng hậu thuẫn cho chúng. Những thân phận ấy bị hút vào cơn lốc "giống như những chiếc lá mà giông bão cuốn lên, tan tác mọi ngã, rồi tự rơi xuống"*.

Ông Sáu Dân là người hiểu ra rất sớm để có cái nhìn thấm đẫm tính nhân văn về "những chiếc lá trong cơn giông bão" ấy mà mạnh dạn đưa ra những giải pháp, những quyết sách.

Thẳng thắn đặt ra những vấn đề gai góc và nhạy cảm này ông hiểu rằng sẽ gặp những lực cản không nhỏ và dai dẳng.

Điều này dễ hiểu. Ở những quãng sông nước chảy xiết, nhất là ở những khúc ngoặt, váng bẩn sẽ nổi lên nhiều, nhưng dòng sông vẫn chảy. Khi tư tưởng đã đi vào cuộc sống, được nhân dân đón nhận, tư tưởng sẽ biến thành sức mạnh quét sạch những rào cản.

Tư tưởng đột phá

Nhờ coi trọng dân, chân thành lắng nghe ý chí và nguyện vọng của dân, ra sức mở rộng dân chủ để khởi động và phát huy đến mức cao nhất sức mạnh của dân mà có được tầm nhìn vượt xa lên phía trước .

Với tầm nhìn ấy, Sáu Dân thường đưa ra những ý tưởng mang tính đột phá có sức gợi mở lớn trên những vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối nội và đối ngoại.

Mà "đột phá" được là vì biết tắm mình trong biển cả nhân dân, học được từ dân tính năng động sáng tạo để bồi đắp cho trí tuệ của mình.

Để có cái đó, phải ra sức mở rộng dân chủ, xem đó là điều kiện tất yếu để có đoàn kết, động lực quyết định của phát triển. Có phát huy dân chủ mới phát hiện và quy tụ được hiền tài, làm bừng nở trí tuệ và tài năng của mỗi người Việt Nam trong và ngoài nước, trước hết là của thế hệ trẻ, nguồn sinh lực của Tổ quốc.

Có vậy mới tìm ra được giải pháp cho mọi tình huống. Đó là biểu hiện rõ nét về tầm nhìn vượt xa lên phía trước của Võ văn Kiệt.

Khái niệm Dân trong khối óc và trái tim của ông gắn làm một với Dân chủ.

Từ cuộc sống nhẫn nại và quyết liệt của đồng bào mình ông tiếp thu những nét thâm thúy và mộc mạc hòa quyện trong sự thông tuệ dân gian thấm đẫm chất văn hóa. Cùng với cái đó là những cố gắng tự làm giàu trí tuệ của mình bằng sự học hỏi và lắng nghe chuyên gia, những trí thức mà ông thật lòng quý trọng.

Đó là suối nguồn bất tận làm nên một nhân cách văn hóa Võ Văn Kiệt, vừa có sự dung dị nhưng không kém sâu lắng, vừa bộc trực, hồn nhiên nhưng không thiếu phần minh triết và tế nhị trong ứng xử, trong quyết sách, những điều thể hiện một tầm vóc Võ Văn Kiệt.

Khi tầm vóc ấy đã đọng lại trong lòng dân, nó trở thành bất tử.

Tương Lai

viết từ TP Hồ Chí Minh