Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2009

Bí mật quanh việc bảo vệ thi hài và lăng Lênin


Kỷ niệm 135 năm ngày sinh Vladimia Ilich Lênin, Nga đã công bố nhiều tài liệu xưa nay vẫn được coi là tuyệt mật. Trong số đó, có các tài liệu về việc bảo vệ thi hài và lăng Lênin trong suốt gần thế kỷ qua.

Một nghị lực phi thường






Sau khi Cách mạng Tháng Mười thành công, Lênin trở thành chủ tịch đầu tiên của nhà nước Xô-viết. Vì vậy, các thế lực thù địch đã tìm mọi cách ám sát Lênin.

Trong vòng 8 tháng, từ tháng 1-8/1918, đã có ít nhất 4 vụ ám sát nhằm vào Lênin. Vụ nghiêm trọng nhất xảy ra vào buổi tối ngày 30/8/1918 ở Mátxơcơva.

Ngày 22/10/1922, sau khi rời khỏi trụ sở làm việc tại điện Kremli thì sức khỏe của Lênin đột ngột trở nên rất xấu.

Song cách mạng mới thành công, nhà nước Xô-viết phải đương đầu với vô vàn khó khăn nên ông vẫn làm việc với một nghị lực phi thường.

Chỉ trong vòng gần 2 tháng, ông đã viết tổng cộng tới 224 tài liệu, bao gồm các công hàm ngoại giao, các chỉ thị của Chính phủ, thư từ. Ngoài ra, Lênin còn trực tiếp gặp gỡ 171 đại biểu bao gồm các thành viên của Chính phủ, các ủy viên Hội đồng Quốc phòng, các ủy viên Bộ Chính trị, đại biểu công nhân, nông dân, binh sĩ.

Sức khỏe của Lênin ngày càng giảm sút trầm trọng. Sáng sớm ngày 21/1/1924, Lênin cảm thấy 2 bên thái dương đau dữ dội và bị ngã ra giường.

17h30’ cùng ngày, huyết áp của Lênin bị giảm đột ngột, và tới 18h45’, trái tim của ông ngừng đập.

Cả dân tộc tiếc thương vị Lãnh tụ kính yêu

Ngày hôm đó, 5 triệu tờ Sự thật đã được truyền tới tay những người dân Liên Xô báo tin đau buồn.

Hơn 500 người, bao gồm các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban chấp hành Trung ương (BCH TW) Đảng Cộng sản Liên Xô, các thành viên Hội đồng Bộ trưởng, mặc cho cái rét cắt da, đã tới Gorki để vĩnh biệt Lênin .

50 vạn người trên quãng đường dài 4 km cùng nhau khênh quan tài Lênin đi bộ trong vòng hơn 6 giờ, ra ga xe lửa để chuyển về Mátxơcơva.

Hơn 12.000 bức điện và thư của các tầng lớp nhân dân từ khắp nơi trên toàn lãnh thổ Liên Xô được gửi tới Văn phòng Chính phủ. Tất cả chung một nguyện vọng muốn thi hài Lênin được bảo quản vĩnh viễn.


Công việc đầy khó khăn

Bộ Chính trị quyết định trong vòng 3 tháng phải bảo vệ bằng được thi hài Lênin một cách lâu dài.

Đây là công việc xưa nay chưa từng có ở nước Nga nói chung và trong giới y học Nga nói riêng. Hơn nữa, mức độ rủi ro là rất cao, vì vậy nhiều người đã không dám đảm nhận.

Cuối cùng chỉ có duy nhất Sibarski, một nhà bác học chuyên ngành hóa sinh người Do Thái đã dũng cảm nhận công việc khó khăn này.

Sibarski đã tiến hành vô số các thí nghiệm, nhưng đều thất bại. Một tháng đã trôi qua, làn da của thi hài đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu của sự hoại tử.

Nghe được tin này nhà giải phẫu học Valuabov, giáo sư trường Đại học Halikoe đã tự nguyện tới giúp đỡ.

Valuabov cùng Sibarski gánh vác trách nhiệm bảo quản bằng được thi hài Lênin. Họ đã sáng chế thành công một loại dung dịch bảo quản. Hai người cùng giải phẫu thi hài, làm sạch các cơ quan nội tạng rồi truyền dung dịch nói trên vào hệ thống tuần hoàn.

“Người vẫn còn sống!”

Cuối năm 1925, Đảng Cộng sản Liên Xô phát động một cuộc lấy ý kiến toàn dân về mẫu thiết kế lăng và quan tài.

Trong số hơn 100.000 ý kiến và mẫu thiết kế gửi tới ban tổ chức, có phương án đề nghị xây dựng Lăng có 26 tầng. Trong lăng có một phòng họp lớn dành cho các cuộc họp quan trọng của BCH TW hoặc chính phủ. Trên đỉnh Lăng bố trí một ngọn đèn cháy sáng suốt ngày đêm tượng trưng cho tư tưởng Lênin sống mãi. Toàn bộ lăng sẽ mang dáng dấp của một quả cầu, bởi Lênin là người thuộc về toàn thế giới.

Cũng có đề án xây dựng lăng giống như tháp Eiffel của Paris để biểu trưng cho sự thắng lợi cuối cùng của Cách mạng Vô sản trên toàn thế giới.

Cuối cùng, Ban tổ chức đã chọn mẫu thiết kế của kiến trúc sư Sizenov. Đó chính là Lăng Lênin mà chúng ta đuợc thấy ngày nay.

Trong Lăng, thi hài Lênin được đặt trong một quan tài làm bằng pha lê trong suốt, một tay nắm, còn tay kia để lên ngực một cách tự nhiên, hai mắt nhắm hờ. Dưới ánh đèn màu hồng nhạt, vầng trán Lênin biểu hiện rất sinh động, khiến cho mọi người có cảm giác như ông vẫn đang suy tư một điều gì đó.

“Người vẫn còn sống!”, đó là câu nói thường thốt ra từ những người được vào lăng viếng Lênin.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét