Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2009

VN cần nâng cấp không quân

(BBC).Vụ máy bay Su-22 của không quân Việt Nam rơi tại Cẩm Thủy, Thanh Hóa bỗng thu hút sự chú ý đến trang bị kỹ thuật của lực lượng này trong bối cảnh căng thẳng khu vực có chiều hướng tăng lên chứ không giảm đi.

Quân đội Nhân dân Việt Nam bước ra khỏi cuộc chiến chấm dứt năm 1975 với một số lượng khá tốt vũ khí và trang thiết bị thu được sau chiến thắng, gồm cả vũ khí của Mỹ.

Nhiều năm sau đó, chính quyền cộng sản bị cấm vận bởi Hoa Kỳ và Phương Tây nhưng lại trở thành đồng minh của Liên Xô nên các loại vũ khí của khối Hiệp ước Varsava vẫn vào Việt Nam.

Tất nhiên, Liên Xô bán hay viện trợ cho không quân Việt Nam có điều kiện và Hà Nội chưa bao giờ có mạ́y bay ném bom chiến lược như Tupolev mà chỉ nhận được phi cơ tiêm kích.

Theo nhiều bình luận, cuộc chiến Biên giới 1979 cho thấy hỏa lực của quân đội Việt Nam, tất nhiên với sự hỗ trợ của Liên Xô, có phần ưu thế hơn của Trung Quốc, một trong các yếu tố thúc đẩy Bắc Kinh phải hiện đại hóa quân đội.

Nhưng từ khi khối Varsava sụp đổ, kho vũ khí của Việt Nam, nhất là máy bay và tàu chiến nhanh chóng trở nên cũ kỹ, không bắt kịp công nghệ quốc phòng và quân sự hiện đại.

Riêng về không quân, cho tới đầu năm nay, Việt Nam mới có 12 chiếc Su-30, và 36 chiếc Su-27 trong các binh đoàn phi cơ chiến đấu.

Đa số máy bay còn lại là MiG-21 và Su-22 chuyên dùng trong các trận đất đối không. Trong 400 chiếc này thì MiG-21 thuộc thế hệ ra đời từ thập niên 196, nên đã quá cũ.

Ngay cả hạng phi cơ Su-22 như chiếc bị rơi tại Thanh Hóa tuần này cũng cần nâng cấp gấp rút. Thậm chí Su-27 cũng là hạng sản xuất trước khi Liên Xô sụp đổ từ 1984 đến 1991.

Trong khi đó, căng thẳng ngoài Biển Đông đặt ra câu hỏi về nhu cầu tăng cường quốc phòng, cho cả hải quân và không quân Việt Nam.

Nhu cầu nâng cấp

Trong chiến tranh hiện đại, kể từ Thế chiến 2, quan niệm về hải chiến luôn bao gồm cả khả năng dùng phi cơ hỗ trợ hải quân chứ không chỉ là công việc của các tàu thuyền.

Quân đội Việt Nam hiểu được nhu cầu đó và theo các tạp chí theo dõi quân sự thì tháng 5 năm nay, Việt Nam đã mua thêm 12 chiếc Su-30MK2 với giá 42 triệu đô la một chiếc.

Tin tức sau nói con số này giảm xuống còn tám chiếc với loạt đầu tiên sẽ được giao cho Việt Nam vào quý 4 năm 2010.

Theo Interfax AVN ước tính tám chiến đấu cơ Việt Nam vừa mua có tổng trị giá 400 triệu đôla sau hợp đồng loan báo tháng 4 trị giá 1,8 tỷ đô la để mua sáu tàu ngầm hạng Kilo của Nga.

Tạp chí Jane's Defence trích lời giới chuyên gia nói Việt Nam sẽ không trả Nga bằng tiền mặt mà bằng dầu.

Su-30 là thế hệ máy bay được tập đoàn Sukhoi nâng cấp và phát triển từ thập niên 1990, với nhiều phiên bản cho các khách hàng khác nhau.

Không quân Ấn Độ hiện đang dùng loại Su-MK1.

Còn loại MK2 thường được bán cho các nước ven biển như Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia và Venezuela, vì có thêm hệ thống hỏa tiễn chống tàu chiến và thiết bị điện tử.

Còn về số Su-30 Việt Nam đang có, giới chuyên gia coi đây là chiến đấu cơ phản lực tốt nhất mà Liên Xô thiết kế lúc kết thúc Chiến tranh Lạnh và so sánh nó với U.S. F-15 của Mỹ, nhưng giá chỉ bằng một phần ba.

Việt Nam được nói cũng đang nâng cấp, nhờ sự hỗ trợ của Nga, để biến các phi cơ Su-27 của mình thành hạng Su-30, nặng 30 tấn, nhưng có công nghệ thấp hơn Su-30MK2.

Dù tướng Phùng Quang Thanh của Việt Nam phát biểu gần tại tại hội nghị ở Singapore rằng tăng cường quốc phòng của Việt Nam không nhắm vào một bên thứ ba nào, điều cần thiết là nhìn nhận cán rõ cân hải quân và không quân giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Thiếu cân xứng

Theo tạp chí Jane's Defence, ngay từ 2006/2007, Trung Quốc đã phát triển thế hệ chiến đấu cơ đa chức năng F-10 song song hệ thống tên lửa đạn đạo chống vệ tinh.

Việc xây căn cứ tàu ngầm nguyên tử tại Hải Nam, được tiết lộ một hai năm nay và dự án chuẩn bị cho hạ thủy hàng không mẫu hạm cũng đang thu hút sự chú ý của giới quan sát.

Trong bối cảnh Việt Nam cũng mua tàu ngầm nhưng khó có thể đọ lại Trung Quốc về số lượng và tầm hoạt động thì mua hoặc nâng cấp phi cơ để hỗ trợ hải quân là giải pháp khả thi hơn cả.

Phi cơ vừa không đắt bằng tàu chiến, vừa tăng khả năng phòng thủ và cả công kích trên biển nếu cần.

Nhưng trong trận không chiến hoặc hải chiến nếu xảy ra, Việt Nam sẽ phải đương đầu với chính Su-30 do Trung Quốc sản xuất dựa trên cơ sở giấy phép kỹ thuật Nga.

Điều đáng chú ý là các hạng Su-30 trên thế giới chưa bao giờ được thử lửa trong các trận không chiến thật mà mới chỉ được dùng cho huấn luyện.

Báo chí thế giới cũng nhắc hồi tháng 6/1999, một Su-30 của Nga bị tai nạn ngay tại buổi trình diễn không quân gần Paris, Pháp, nhưng cả hai phi công Viatcheslav Averyanov và Vladimir Chendrik may mắn thoát chết.

Bởi vậy, dù có Su-30 loại gì thì quốc phòng của Việt Nam cũng lại cần nâng cấp nữa vì Nga đã tuyên bố bán ra thế hệ Su-35, hiện đại hơn cả.

''Cuộc chạy đua vũ trang'' xem ra không bao giờ chấm dứt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét