Thứ Ba, 2 tháng 6, 2009

Nỗi lo sợ mới về cuộc xâm lược của Trung Quốc ở Việt Nam

Martha Ann Overland / Hà Nội.
Ba mươi năm trước, bộ đội Việt Nam bước vào trận chiến khốc liệt cuối cùng trên vùng đồi núi Lạng Sơn gần biên giới phía Bắc để chống lại kẻ thù. Cả hai bên đều phải chịu nhiều tổn thất kinh hoàng, nhưng cuối cùng Việt Nam tuyên bố chiến thắng. Nhiều thập niên sau, các mối quan hệ ngoại giao được tái lập và hai quốc gia gọi nhau là bạn hữu, ít nhất là trước công chúng. Kẻ thù cũ của Việt Nam nay là nhà đầu tư chính ở đất nước này, quan hệ thương mại song phương đang phát triển đến mức độ cao nhất từ trước tới nay, và khách du lịch, chứ không phải quân đội, đang tràn vào.

Không, không phải là người Mỹ tràn vào. Mà là người Trung Quốc. Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam như là một phần trong chiến lược hung hãn mở rộng ảnh hưởng thương mại cũng như chính trị ở Ðông Nam Á. Các công ty Trung Quốc hiện đang tham gia rất nhiều dự án xây dựng đường sá, khai thác mỏ và nhà máy năng lượng. Tuy nhiên, mặc dù giới lãnh đạo Việt Nam rất ủng hộ quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia cộng sản chủ nghĩa này, nhưng cuộc xâm lăng thân thiện này không được êm thấm lắm đối với một dân tộc đã từng đánh trả Trung Quốc xâm lược suốt hơn một nghìn năm, gần đây nhất là năm 1979. Nhiều người Việt Nam lo ngại rằng người ta đã trao cho Trung Quốc không chỉ chiếc chìa khoá dẫn đến những nguồn tài nguyên thiên nhiên trên đất nước họ mà đến cả những khu vực chiến lược nhạy cảm, đe dọa đến an ninh quốc gia. Ông Nguyễn Văn Thụ, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cảnh báo: “Rất nguy hiểm là Trung Quốc đã trúng thầu hầu hết các gói thầu xây dựng các nhà máy năng lượng, xi măng và hoá chất. Họ ngốn hết sạch chẳng để lại gì”.

Ông Thụ bày tỏ sự nghi ngờ rằng một số công ty Trung Quốc đã trúng thầu các hợp đồng xây dựng bằng cách đưa ra giá thầu thấp, và như thế nghĩa là họ rất có thể sẽ cắt xén này nọ, và điều này rõ ràng sẽ đe dọa đến chất lượng và độ an toàn của các công trình. Nhưng nỗi lo âu lớn nhất của ông Thụ chính là sự đổ tràn vào Việt Nam của một số lớn lao động Trung Quốc, trong đó có cả đầu bếp và lao công, giành mất công ăn việc làm của người Việt Nam và đe dọa sự ổn định xã hội của đất nước. Ông Thụ khẳng định: “Cái gì các nhà thầu Trung Quốc cũng mang sang cả, đến cả cái bồn cầu cũng mang! Những thứ đó thì Việt Nam có thể sản xuất được, và những công việc đó người Việt Nam có thể làm được”.

Gáo nước lạnh gần đây nhất dành cho nhiệt tình chống Trung Quốc là kế hoạch của Hà Nội cho phép các công ty con của Tổng công ty Nhôm Trung Quốc (Chinalco) được khai thác quặng bauxite ở vùng Tây Nguyên Việt Nam. Bauxite là nguyên liệu chủ yếu để chế tạo nhôm, mà Trung Quốc thì đang rất cần nhôm cho ngành công nghiệp xây dựng. Việt Nam có nguồn bauxite chất lượng cao, ước tính khoảng 8 tỷ tấn, với trữ lượng cao thứ ba trên thế giới. Tuy nhiên, khi khai thác nguồn khoáng sản này thì cái giá phải trả về mặt môi trường có thể sẽ rất cao. Khai thác theo kiểu mỏ lộ thiên thì hiệu quả thật, nhưng đất đai sẽ bị cày nát và quá trình xử lý bauxite sẽ thải ra một chất cặn đỏ rất độc, có thể rỉ thấm vào trong nguồn nước nếu không được ngăn chặn đúng cách. Một số nhà khoa học kỳ cựu và phong trào bảo vệ môi trường mới phát triển ở Việt Nam đang đặt nghi vấn rằng chính quyền nghĩ thế nào mà lại trao quyền khai thác mỏ cho Trung Quốc, trong khi chính các khu mỏ của họ đang phải đóng cửa vì những tổn hại to lớn gây ra cho môi trường sống.

Nhưng sự phản đối thật sự không chỉ nằm ở vấn đề bảo vệ môi trường, mà hơn hết, là ở sự e sợ của Việt Nam đối với vị láng giềng ở biên giới phía bắc. Các nhóm quốc gia chủ nghĩa lên án Hà Nội vì đã nhượng bộ trước áp lực của một Trung Quốc đang thèm khát nguyên liệu, và đã cho phép triển khai dự án khai thác mỏ này. Giới blogger đang gây ra một làn sóng lo âu lớn, khi cho rằng lao động Trung Quốc đổ vào Việt Nam có thể là một phần trong chiến lược lâu dài của Bắc Kinh nhằm xâm chiếm đất nước họ. Các tổ chức ủng hộ dân chủ bị cấm hoạt động ở Việt Nam, vui mừng khi có bất cứ dịp nào chỉ trích chính phủ độc tài, gọi dự án khai thác mỏ liều lĩnh này là một “kế hoạch bệnh hoạn”. Đầu tháng này, một nhà sư bất đồng chính kiến, Hoà thượng Thích Quảng Độ, nói rằng việc khai thác lộ thiên sẽ phá hoại nếp sống của các dân tộc thiểu số trong vùng. Ông cũng nói thêm rằng dự án trên “cho thấy sự lệ thuộc của Việt Nam vào Trung Quốc”. Không có sự phản đối kịch liệt như vậy đối với kế hoạch của Alcoa, công ty nhôm khổng lồ của Mỹ, nhằm khai thác hai khu vực ở tỉnh Đak Nông thuộc Tây Nguyên.

Nhưng có lẽ bất ngờ nhất là sự phê phán của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, một nhà lãnh đạo quân sự Việt Nam rất được kính trọng, người có công lớn trong chiến thắng của Việt Nam trước người Pháp và sau đó là người Mỹ. Trong một lá thư gửi cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vị anh hùng chiến trận 97 tuổi này nêu lên mối quan ngại về sự hiện diện của đông đảo người Trung Quốc ở Tây Nguyên, nơi vốn là cửa ngõ chiến lược của Việt Nam, mà nhiều cuộc chiến đã phân định thắng bại ở chính nơi này.

Những quốc gia khác trong vùng đã gặp nhiều phiền hà vì cơn khát tài nguyên của Trung Quốc. Tháng trước, chính phủ Australia đã từ chối gói thầu 1,8 tỷ đô-la của công ty khai thác mỏ Minmetals của Trung Quốc để mua lại công ty OZ Minerals (công ty khai thác quặng kẽm lớn thứ hai thế giới, hiện đang nợ ngập đầu), chính vì lo ngại về an ninh quốc gia. Công ty OZ Minerals có một số hoạt động gần khu thử nghiệm vũ khí Woomera của Australia.

Chính quyền Hà Nội nói rằng họ đang lắng nghe những mối lo ngại này nhưng dường như không hề có động thái gì. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới đây đã tuyên bố việc khai thác bauxite là “chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước”. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tái xác nhận sự ủng hộ của chính phủ, và nhiều quan chức các tỉnh thành địa phương có mặt tại một hội nghị khai khoáng vừa qua nhằm bảo vệ dự án này, lập luận rằng: mặc dù công nhân Trung Quốc có mặt nhưng việc khai thác mỏ này sẽ rất có ích cho các sắc tộc thiểu số nghèo khổ trong khu vực.

Việt Nam sẽ phải chịu một áp lực rất lớn để phải tiếp tục triển khai việc khai thác bauxite như đã định, đó là nhận định của ông Carl A. Thayer, chuyên gia về Việt Nam giảng dạy tại Học viện Quốc phòng Australia ở Đại học New South Wales. Muốn tồn tại được thì Việt Nam cần quan hệ thông thương với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới. Ông Thayer cho biết rằng không có công ty nào ở Trung Quốc hoạt động độc lập với nhà nước. Ông nói: “Nếu các bạn nhìn xa hơn sẽ thấy có những mối dây liên hệ về quân sự hay an ninh. Nhưng còn Trung Quốc chiếm đóng à? Tôi cho là không đâu”.

Thayer cũng quan sát thấy rằng nhiều vấn đề là do Việt Nam tự gây ra cho mình. Đất nước này càng ngày càng trở nên lệ thuộc vào các nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài để chống đỡ cho nền kinh tế của mình. Năm ngoái các nhà đầu tư đã đổ vào Việt Nam một khoản kỷ lục 11,5 tỷ đô la. Cũng trong năm ngoái Trung Quốc có 73 dự án đầu tư trị giá 334 triệu đô la ở quốc gia này. Nhưng cùng với tình trạng suy thoái toàn cầu, đầu tư trực tiếp nước ngoài tuột dốc đến 73% trong quý đầu tiên của năm 2009 so với cùng kỳ năm ngoái.

Hà Nội đã và đang kêu gọi gia tăng đầu tư, và ngày càng khẩn thiết chờ đợi tiền bạc từ ngoài đổ vào, khi nền kinh tế của họ hiện nay đã chững hẳn lại. Việt Nam còn phải chịu một mức thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc. Khi ngày càng nhiều công ty Trung Quốc mạo hiểm vượt qua biên giới bước vào Việt Nam, và đổ hàng triệu đô-la vào các dự án đầu tư mới, thì Hà Nội không thể áp đặt tất cả các điều khoản được nữa. Họ cũng không thể khóa chốt mối quan hệ này được. Ông Carl Thayer nhận định: “Người Việt Nam muốn gì thì cũng phải cẩn thận xem xét hậu quả của nó”.

NL dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét